Một trong những mẫu xe tăng giá vài ngày qua là SH Mode - tăng 500.000 đồng, lên mức 72,6-82,6 triệu đồng. Đây là giá bán chỉ mới tính thuế giá trị gia tăng, chưa tính các loại phí trước bạ, biển số. Với mức giá này, mẫu xe SH Mode chênh lệch đến 17-22 triệu đồng so với giá đề xuất của nhà sản xuất.
Mẫu xe Vision vẫn tiếp tục khan hiếm, giá bán cao ngất ngưỡng, từ 44-53 triệu đồng/chiếc (chưa tính thuế, phí), cao hơn giá đề xuất 13-17 triệu đồng, tùy bản. Đây là mức giá kỷ lục của mẫu xe này kể từ khi ra mắt đến nay.
Mẫu xe ăn khách khác của Honda là Lead tiếp tục tăng giá thêm gần 500.000 đồng/chiếc, lên 51-54 triệu đồng (cao hơn giá đề xuất 9-11 triệu đồng). Air Blade 160 cc cũng tăng giá thêm 500.000 đồng, lên 62-64 triệu đồng/chiếc (chênh lệch 5,5-6,5 triệu đồng so với giá đề xuất). Lý giải nguyên nhân giá xe mới đến tay người dùng cao hơn giá đề xuất rất nhiều, một số người bán cho biết thời gian gần đây nhu cầu mua sắm xe máy tăng mạnh sau dịch Covid-19, dẫn đến cầu vượt quá cung. Chuỗi cung ứng linh kiện bị đứt gãy cũng ảnh hưởng đến việc sản xuất, lắp ráp xe máy thời điểm hiện tại.
Tuy mức giá tăng cao nhưng một số cửa hàng cho biết không nhận tiền cọc từ khách hàng đặt mua các mẫu xe bán chạy vì không dám chắc thời gian giao hàng cho khách là khi nào.
Trong khi thị trường xe mới tăng giá sốc với nhiều dòng xe, một bộ phận người tiêu dùng tìm mua xe đã qua sử dụng nên thị trường xe máy cũ đã khởi sắc nhiều so với năm trước. Nguyên nhân là vì một số dòng xe mới đang khan hàng, khách buộc phải chuyển sang xe cũ để mua được chiếc xe mình thích, tiết kiệm chi phí hơn. Giới kinh doanh xe máy cũ cho rằng thị trường xe “cũ người mới ta” sắp tới sẽ có thể cũng khan hiếm. Việc giá xe mới liên tục tăng quá cao không hấp dẫn người mua, nên xe máy cũ vẫn còn nhiều cơ hội để lấy lại thị phần. Thị hiếu người tiêu dùng vẫn hướng đến các dòng xe tay ga, với những mẫu xe Lead, Vision và Air Blade, SH, còn xe tay số là các mẫu Honda Future, Yamaha Sirius…