Do vậy Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai mô hình “chợ trực tuyến” bước đầu thực hiện tại một số chợ, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các chợ dân sinh. Thông qua mô hình này, các tiểu thương tại chợ truyền thống được hỗ trợ tiếp cận và sử dụng ứng dụng thương mại điện tử để tăng lượng khách đặt hàng.
Đến nay, mô hình “chợ trực tuyến” đã triển khai tại 26 chợ truyền thống. Tổng cộng có 23 ngành hàng được đăng bán trực tuyến, đơn cử như rau củ, thịt, hải sản, bánh kẹo, thực phẩm chế biến, thực phẩm ăn liền, trái cây, đồ khô, trứng sữa, đồ chay, văn phòng phẩm và đồ dùng gia đình...
Thời gian qua, nhiều app mua hàng trực tuyến ra đời trong bối cảnh thành phố nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều người trở lại chợ, siêu thị mua hàng thiết yếu, tươi sống trong bình thường mới. Tuy nhiên, số khác vẫn chọn đi chợ online vì e ngại dịch bệnh, vì thói quen mua online phù hợp với nhu cầu của họ
Thông qua điện thoại, tin nhắn Zalo, các app…, người tiêu dùng có thể đặt hàng. Tiểu thương tại chợ truyền thống sẽ tiếp nhận đơn hàng và liên kết với các xe ôm để có lực lượng giao hàng.
Có thể thấy chuyển đổi số trong kinh doanh hiện nay là xu thế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn những diễn biến phức tạp. Chợ truyền thống cũng đứng trước áp lực buộc phải thay đổi hình thức kinh doanh để có thể thích ứng và cạnh tranh với các cửa hàng tiện lợi.