Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 29/12/2020, lúc 11h00, kỳ hạn tháng 5/2021, tăng 3 JPY, ghi nhận ở mức 230,1 JPY/kg.
Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)
Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 150 CNY (22,96 USD) xuống 13.850 CNY/tấn.
Bộ Thương mại Trung Quốc đã áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cao su từ Mỹ, Hàn Quốc và Liên minh Châu Âu (EU) từ ngày 20/12/2020, do ngành công nghiệp cao su nước này được cho là phải chịu thiệt hại đáng kể vì các đối tác thương mại trên bán phá giá các sản phẩm cao su tổng hợp.
Các mức thuế được áp dụng trong vòng 5 năm là 12,5% - 222% đối với các công ty nhập khẩu sản phẩm cao su tổng hợp được dùng rộng rãi trong xây dựng, dây điện và công nghiệp ô tô.
Sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc đang sôi động vào cuối năm, tồn trữ cao su sàn Thượng Hải đã tăng 1,9% so với tuần trước. Đây là kết quả của hoạt động thu mua cao su nguyên liệu từ đầu tháng 11 đến nay.
Tại Trung Quốc, nhu cầu cao su nguyên liệu sụt giảm do sản xuất lốp xe ở miền Bắc Trung Quốc bị hạn chế để bảo vệ môi trường, trong khi các nhà máy sản xuất ở miền Đông Trung Quốc bị ảnh hưởng do việc hạn chế sử dụng điện. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu container vận chuyển cũng ảnh hưởng tới xuất khẩu lốp xe.
Quy mô thị trường cao su tự nhiên ở Ấn Độ rất lớn, cả về sản xuất và nhập khẩu. Bên cạnh đó, ngành cao su Ấn Độ cũng có mối liên hệ chặt chẽ và có khả năng tác động lên giá cao su toàn cầu, theo Ông PS Reddy, Giám đốc điều hành của Sàn giao dịch hàng hóa Ấn Độ (MCX).
Ông PS Reddy nhận định, việc tung ra hợp đồng cao su kỳ hạn trên sàn giao dịch có ý nghĩa quan trọng đối với các bên liên quan. Đây được xem là một công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả để quản lý biến động giá thu mua.
Giá cao su kỳ hạn tháng 01/2021 trên sàn SICOM Singapore giảm 1,5% xuống 146,4 US cent/kg.
Phiên trước, giá tại Nhật Bản sụt giảm do tâm lý bi quan của các nhà đầu tư cao su khi dịch Covid-19 vẫn đang lây lan nhanh chóng. Tuy nhiên, sang phiên hôm nay, giá đã hồi phục trở lại.
Nhiều thương gia Tokyo cho biết thị trường cao su dự kiến sẽ duy trì vững khi mùa đông tại các nước sản xuất Đông Nam Á đến sớm vào đầu năm tới. Mùa đông thường khô kéo dài từ tháng 2 đến tháng 5 tại Thái Lan, Malaysia và Indonesia, khiến sản lượng mủ cao su suy giảm.
Thị trường cao su Malaysia đã duy trì đà giảm và các thị trường khác trong khu vực cũng chứng kiến xu hướng đi xuống vào cùng thời điểm. Nguyên nhân là do thị trường bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của giá dầu thô.
Ấn Độ đồng loạt giảm nhập khẩu cao su từ các thị trường chính
Indonesia, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam và Thái Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Ấn Độ, tuy nhiên nhập khẩu cao su từ các thị trường này đều sụt giảm mạnh cả về lượng và trị giá.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, Việt Nam là thị trường lớn thứ 4 cung cấp cao su cho Ấn Độ với 47,2 nghìn tấn, trị giá 68,73 triệu USD, giảm 52,5% về lượng và giảm gần 54% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Thị phần cao su, cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng nhập khẩu cao su của Ấn Độ cũng giảm từ 12,58% trong 9 tháng đầu năm 2019, xuống còn 7,68% trong 9 tháng đầu năm 2020.
Cơ cấu thị trường chính cung cấp cao su tự nhiên cho Ấn Độ trong 9 tháng đầu năm 2020 có sự thay đổi khi thị phần cao su của Việt Nam, Malaysia và Thái Lan trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ giảm, trong khi thị phần của Indonesia, Bờ Biển Ngà và Singapore lại tăng.
Cùng thời gian, Ấn Độ cũng giảm nhập khẩu mặt hàng cao su tổng hợp (mã HS: 4002), với 279.640 tấn, trị giá 491,45 triệu USD, giảm 18,5% về lượng và giảm 31,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, trong đó Hàn Quốc, Nga, Singapore, Nhật Bản và Mỹ là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tổng hợp cho Ấn Độ.
Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp chính cho Ấn Độ trong 9 tháng đầu năm 2020 có sự thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Nga trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ giảm, trong khi thị phần của Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Mỹ tăng.
Thị phần cao su tổng hợp Việt Nam chỉ chiếm 0,1% trong tổng nhập khẩu cao su tổng hợp của Ấn Độ.
Trung Quốc chi gần 1,3 tỷ USD nhập khẩu cao su Việt Nam
Cục XUất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 10 tháng năm 2020, nhập khẩu cao su (mã HS 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt 8,65 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc, đạt 1,29 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2019. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc 10 tháng năm 2020 chiếm 14,9%, tăng so với mức 13,5% của 10 tháng năm 2019.
Về cơ cấu mặt hàng, Trung Quốc nhập khẩu cao su tự nhiên (mã HS 4001) đạt 2,23 tỷ USD, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm 2019. Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 4 cho Trung Quốc trong 10 tháng năm 2020, đạt 169,72 triệu USD, giảm 38,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Thị phần cao su tự nhiên Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ mức 9,9% của 10 tháng năm 2019, xuống còn 7,6% trong 10 tháng năm 2020.
Trong 10 tháng năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS 400280) đạt 3,91 tỷ USD, tăng hơn 39% so với cùng kỳ năm 2019. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Myanmar là 5 thị trường lớn nhất cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp cho Trung Quốc.
Về cơ cấu mặt hàng, Trung Quốc nhập khẩu cao su tự nhiên (mã HS 4001) đạt 2,23 tỷ USD, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm 2019. Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 4 cho Trung Quốc trong 10 tháng năm 2020, đạt 169,72 triệu USD, giảm 38,1% so với cùng kỳ năm 2019.