Giá cao su hôm nay 10/5/2021: Tăng mạnh trên toàn châu Á

(VOH) – Giá cao su ngày 10/5 tăng tại các sàn giao dịch châu Á. Nhu cầu gia tăng ở Trung Quốc đã đẩy giá cao su ở Campuchia tăng đáng kể.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 10/5/2021, lúc 12h00, kỳ hạn tháng 10/2021, tăng mạnh lên mức 1,5 JPY, tương đương 0,59% lên mức 257 JPY/kg. 

Giá cao su hôm nay 10/5/2021: Tăng mạnh trên toàn châu Á 1

Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)

Giá cao su hôm nay 10/5/2021: Tăng mạnh trên toàn châu Á 2

Giá cao su kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn Thượng Hải tăng mạnh 0,49%, ghi nhận mức giá 14.460 CNY/tấn.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Malaysia, tiêu thụ cao su tự nhiên nội địa trong tháng 3/2021 là 49.718 tấn, tăng 11,2% so với tháng 2/2021, trang Bernama đưa tin.

Lĩnh vực sản xuất găng tay tiếp tục chiếm ưu thế trong tiêu thụ cao su tự nhiên với 37.435 tấn, chiếm 75,3% tổng lượng tiêu thụ nội địa vào tháng 3/2021.

Ông Datuk Dr Mohd Khairuddin Aman Razali, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Hàng hóa Malaysia, cho biết, ngành cao su của Malaysia sẽ được trẻ hóa bằng việc mở rộng các hoạt động sản xuất lốp xe.

Ông bày tỏ tin tưởng rằng, ngành công nghiệp này sẽ nhanh chóng phục hồi trong thời gian tới, kéo theo sự gia tăng trở lại của giá mặt hàng này.

Giá tăng nhờ đồng USD suy yếu bất chấp báo cáo việc làm Mỹ yếu hơn dự báo và lo ngại về nhu cầu tại thị trường châu Á.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế thị trường tại châu Á cũng bị hạn chế đáng kể bởi lo ngại dịch COVID-19 bùng phát tại các nền kinh tế đang phát triển, nơi cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế thiếu thốn.

Campuchia thu về gần 100 triệu USD từ xuất khẩu cao su trong 4 tháng đầu năm 2021

Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia, xuất khẩu cao su tự nhiên của nước này đạt 61.056 tấn, trị giá 99,87 triệu USD trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2021, giảm 15% về lượng nhưng tăng 2,5% về trị giá so với 71.749 tấn và 97,43 triệu USD của cùng kỳ năm 2020.

Nguyên nhân khiến doanh thu từ xuất khẩu cao su của Campuchia tăng là do giá cao hơn hồi đầu năm ngoái.

Ông Men Sopheak, chủ sở hữu của Sopheak Nika Investment Agro-Industrial Plants Co Ltd, một công ty kinh doanh cao su tại Campuchia cho biết, nhu cầu gia tăng ở Trung Quốc, thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, đã đẩy giá cao su ở Campuchia tăng kể từ đầu vụ cao su hiện tại.

Giá cao su Campuchia trung bình tại các cảng Việt Nam ở mức khoảng 1.800 USD/tấn, tăng so với mức hơn 1.400 USD của cùng kỳ năm trước.

Heng Piseth, người đứng đầu Sở Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản tỉnh Tbong Khmum, nơi có 78.000 ha diện tích trồng cao su, cho biết nhiều người đã không còn muốn đầu tư vào vào trồng cao su, một số gia đình và công ty thậm chí còn chuyển sang trồng hạt điều hoặc chuối.

Năm 2020, Campuchia đã xuất khẩu hơn 350.000 tấn cao su trong 2020, thu về hơn 482 triệu USD, với hầu hết các lô hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, Việt Nam, Singapore và Malaysia.

Giá cao su hôm nay 10/5/2021: Tăng mạnh trên toàn châu Á 3
Ảnh minh họa - Internet 

Các hãng ô tô đau đầu vì nguy cơ thiếu cao su làm lốp

Nguồn cung cao su thiếu hụt, đình trệ đang bủa vây hàng loạt nhà sản xuất, trong khi giá cả ngày càng tăng. Đang phải vật lộn với việc phải đóng cửa nhà máy do ảnh hưởng của đại dịch cũng như việc thiếu chip để sản xuất ôtô, các hãng xe nay phải đối mặt thêm thách thức khác: nguồn cung lốp đang ngày càng giảm.

Nút thắt ở tuyến đường biển đang gây ra sự gián đoạn trong quá trình di chuyển của cao su thiên nhiên – vật liệu chủ chốt sử dụng trong lốp ô tô và cũng là một thành phần dưới nắp ca-pô. Ngoài ra, chuỗi cung ứng toàn cầu thiếu hụt do một số nơi tích trữ từ trước, cũng như cây cao su bị nhiễm bệnh khiến giá cao su bị đẩy lên và một số nhà cung ứng của Mỹ phải chật vật đảm bảo các chuyến vận chuyển hàng trước khi thị trường lại rơi vào cảnh túng quẫn.

Trên thế giới, nhiều nhà máy sản xuất ô tô rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, thậm chí tạm đóng cửa do cuộc khủng hoảng thiếu linh phụ kiện, dẫn tới hậu quả là hàng tỷ USD lợi nhuận biến mất. Những nguyên liệu như mút xốp để làm ghế cho tới kim loại và nhựa polyester cũng trở nên khan hiếm.

Ngành công nghiệp ô tô – vốn lâu nay dựa vào phương thức sản xuất just-in-time (chỉ sản xuất và vận chuyển những gì cần thiết, vào đúng thời điểm với số lượng cần thiết) nhằm giảm chi phí – đang nhận ra bản thân với khả năng linh hoạt bị giới hạn trước tình trạng chuỗi cung ứng trở nên xáo trộn do dịch bệnh.

Việc thiếu cao su đe dọa hoạt động sản xuất ô tô trong khi nhu cầu phục hồi. Vấn đề về cao su có thể gây khó khăn đặc biệt bởi cây cao su cần 7 năm để trưởng thành, khiến việc phục hồi của chuỗi cung ứng khó trở lại bình thường trong thời gian ngắn.

Bình luận