Giá cao su hôm nay 10/8/2021: Dao động trái chiều trên thị trường

(VOH) – Giá cao su ngày 10/8 tăng trở lại trên thị trường Nhật Bản, giá tại Trung Quốc giảm nhẹ. Các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản đồng loạt báo lãi.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 10/8/2021, lúc 11h00, kỳ hạn tháng 11/2021, tăng mạnh 1,7 JPY, tương đương 0,78% lên mức 219,3 JPY/kg.

Giá cao su hôm nay 10/8/2021: Dao động trái chiều trên thị trường 1

Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)

Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải giảm nhẹ 50 CNY, tương đương 0,34%, xuống mức 14.870 CNY/tấn.

Giá cao su hôm nay 10/8/2021: Dao động trái chiều trên thị trường 2

Trong các tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cao su của hầu hết các thị trường lớn trên thế giới đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong đó, tăng mạnh nhất là khối thị trường Liên minh châu Âu (EU), Malaysia, Ấn Độ và nhập khẩu cao su từ Việt Nam của các thị trường này đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, ngoài Trung Quốc thì thị phần cao su của Việt Nam tại các thị trường này vẫn ở mức thấp. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2021, EU là thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới, kim ngạch đạt 7,78 tỷ USD, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2020.

EU nhập khẩu cao su từ Việt Nam đạt 66,02 triệu USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2020. Song, thị phần cao su Việt Nam chỉ chiếm 0,8% trong tổng trị giá nhập khẩu cao su của EU, giảm so với mức 1,4% của cùng kỳ năm 2020.

Triển vọng xuất khẩu cao su trong thời gian tới sang các quốc gia EU sẽ vẫn khả quan khi nhu cầu dự báo sẽ tiếp tục tăng. Trong khi đó, nguồn cung được dự báo là vẫn chưa thể phục hồi.

Theo đánh giá, nguồn cung cao su toàn cầu bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu container vận chuyển. Việc Trung Quốc tăng cường dự trữ và dịch bệnh hoành hành cũng ảnh hưởng đến sản lượng cao su cung cấp ra thị trường.

Giá cao su hôm nay 10/8/2021: Dao động trái chiều trên thị trường 3
Ảnh minh họa - Internet 

Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đồng loạt báo lãi

Các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản đã đồng loạt thông báo lợi nhuận cao trong quý II/2021, một tín hiệu cho thấy thị trường ôtô toàn cầu đang hồi phục nhanh hơn dự báo.

Tuy nhiên, các hãng xe Nhật Bản vẫn hết sức dè dặt khi nhận định về triển vọng thị trường trong thời gian tới do đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhà sản xuất ôtô lớn thứ 2 Nhật Bản Honda đã báo cáo lợi nhuận kinh doanh quý I tài khóa 2021. 

Ông Seiji Kuraishi, Phó Giám đốc điều hành Công ty Honda, Nhật Bản, cho biết: "Thị trường ô tô đã bùng nổ và doanh số bán xe trong quý I tài khóa 2021 đã tăng vọt nhờ các chính sách kích cầu kinh tế và chiến dịch tiêm chủng rộng khắp diễn ra ở nhiều nước".

Không chỉ Honda, Toyota và Mazda cũng ghi nhận lợi nhuận cao trong quý vừa qua. Trong đó, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới Toyota đạt lợi nhuận kinh doanh cao kỷ lục tính theo quý là 9,15 tỷ USD, hướng đến mục tiêu đạt lợi nhuận gần 30 tỷ USD cho cả năm tài khóa.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Trung Quốc cùng các diễn biến phức tạp của đại dịch ở Mỹ và châu Âu đã phủ bóng đen lên triển vọng lợi nhuận từ nay đến cuối năm.

Ông Seiji Kuraishi cho biết thêm: "Do ảnh hưởng của hàng loạt biện pháp phong tỏa ở châu Á và tình hình thị trường hiện nay, chúng tôi đã phải hạ thấp dự báo lợi nhuận trong năm 2022. Tình hình thị trường ô tô vẫn còn nhiều yếu tố không ổn định, xuất phát từ dịch COVID-19, sự thiếu hụt trong nguồn cung linh kiện và chất bán dẫn. Mặc dù vậy, chúng tôi tin rằng môi trường kinh doanh năm nay đã tốt hơn nhiều so với năm 2020".

Các hãng xe Nhật Bản cùng các đối thủ cạnh tranh ở Mỹ và châu Âu đang nỗ lực tích trữ chất bán dẫn để đối phó với tình trạng khan hiếm trên thị trường và điều này càng khiến cho sự thiếu hụt chip trở nên trầm trọng. Công ty tư vấn Alix Partner dự báo rằng các hãng xe ô tô trên thế giới có thể thiệt hại đến 110 tỷ USD do thiếu nguồn cung chip.