Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 12/10/2020, lúc 10h30, kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 4,7 JPY, ghi nhận ở mức 200,7 JPY/kg.
Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)
Giá cao su trên sàn SHFE Thượng Hải ở mức 12.960 CNY/tấn, tăng 20 CNY so với phiên ngày 10/10.
Giá tại Thượng Hải giữ đà tăng nhẹ của tuần trước nhờ chính quyền khuyến khích ngành sản xuất lốp xe nội địa. Lũy kế xuất khẩu cao su hỗn hợp của ba nước Thái Lan, Indonesia và Malaysia trong 7 tháng đầu năm nay đã tăng thêm 405,473 tấn so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu sang Trung Quốc.
Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, nhu cầu toàn cầu về găng tay bảo hộ đang tăng vọt do đại dịch, khiến xuất khẩu găng tay cao su của nước này trong 7 tháng đầu năm tăng 38,5% so với cùng kỳ năm ngoái đạt trị giá 959 triệu USD. Các thị trường chủ chốt gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Anh.
Chế biến cao su tại Nhật Bản cũng đang được cải thiện, dấy lên hy vọng về sự hồi phục kinh tế sau đại dịch. Giá tại sàn Osaka cho mức tăng mạnh sau chuỗi ngày ảm đạm.
Chỉ số Nikkei trung bình của Nhật Bản tăng 0,4% do thị trường chứng khoán phố Wall đóng cửa tăng.
Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn SICOM tăng 0,9% lên ở 140,7 US cent/kg.
Xuất khẩu cao su tháng 9 tăng gần 53% về lượng
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo ước tính, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 9/2020 đạt 230.000 tấn, trị giá 296 triệu USD, tăng 3% về lượng và tăng 7,6% về trị giá so với tháng 8/2020.
Con số này tăng đến 52,9% về lượng và tăng 50,2% về trị giá so với tháng 9/2019; giá xuất khẩu bình quân giảm 1,7% so với cùng kì năm 2019, xuống còn 1.287 USD/tấn.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su ước đạt 1,14 triệu tấn, trị giá 1,45 tỉ USD, tăng 2,4% về lượng, nhưng giảm 4% về trị giá so với cùng kì năm 2019, giá xuất khẩu bình quân giảm 6,2% so với cùng kì năm 2019 xuống mức 1.278 USD/tấn.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,3% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2020.
Về giá xuất khẩu, trong 8 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu bình quân phần lớn các chủng loại cao su đều giảm so với cùng kì năm 2019, trừ một số chủng loại có giá xuất khẩu trung bình tăng như: cao su hỗn hợp, cao su tái sinh, SVR CV50.
Top 10 thị trường Việt Nam xuất khẩu cao su nhiều nhất 8 tháng đầu năm 2020
Tính chung 8 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu cao su đạt 907.944 tấn, giá trị 1,16 tỉ USD, giá xuất khẩu bình quân đạt 1.275,9 USD/tấn. So cùng kì năm ngoái, giảm 5,5% lượng, 12% kim ngạch và 7% giá.
Ghi nhận trong 8 tháng, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại cao su của Việt Nam đạt 693.431 tấn, tương đương 864,23 triệu USD, chiếm 76% tổng lượng và chiếm 75% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của cả nước. So cùng kì năm ngoái tăng 11% lượng và tăng 3% kim ngạch, tuy nhiên giá giảm 8% giá khi đạt 1.246 USD/tấn.
Xếp thứ hai là Ấn Độ đạt 35.589 tấn trị giá 49,2 triệu USD, giảm 56% lượng và giảm 57,5% về kim ngạch; EU đạt 36.058 tấn trị giá 48,8 triệu USD, giảm 29% cả về lượng và kim ngạch; Hàn Quốc đạt 18.149 tấn, tương đương 26,9 triệu USD, giảm 38% cả về lượng và kim ngạch.
Nhìn chung, xuất khẩu cao su sang hầu hết thị trường trong 8 tháng đầu năm nay đều giảm cả về lượng và kim ngạch so với cùng kì năm ngoái. Số ít thị trường tăng trưởng như Arrgentina tăng 20% về lượng và tăng 21% về kim ngạch, đạt 1.373 tấn trị giá 2 triệu USD; Pakistan tăng 27% về lượng và tăng 17% về kim ngạch, đạt 4.790 tấn, tương đương 6 triệu USD; Séc tăng 28% về lượng và tăng 8% về kim ngạch, đạt 1.008 tấn trị giá 1,2 triệu USD.