Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 16/11/2020, lúc 11h00, kỳ hạn tháng 4/2021, tăng 4,8 JPY, ghi nhận ở mức 236 JPY/kg.
Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)
Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 110 CNY lên mức 14.520 CNY/tấn.
Như vậy, giá cao su sàn Osaka tăng phiên thứ 5 liên tiếp, sàn Thượng Hải tăng 4 phiên, tính từ cuối tuần trước đến hôm nay. Nguồn cung gặp khó khắn tại Thái Lan góp phần đẩy giá cao su lên cao.
Các thử nghiệm ban đầu của vaccine COVID-19 khả quan và doanh số bán ô tô tăng vọt tại Trung Quốc, đã thúc đẩy sự hồi phục của thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, củng cố tâm lý cho các nhà đầu tư.
Doanh số bán ô tô của Trung Quốc - thị trường ô tô và tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới tăng mạnh cũng hỗ trợ giá, lượng mua tăng 12,5% so với một năm trước trong tháng 10.
Người dân phấn khởi vì giá mủ cao su tăng cao
Đầu tháng 11, giá mủ cao su trên thị trường tăng vọt ở mức 13.000 - 15.000 đồng/kg mủ nước, cao nhất trong 3 năm qua. Đây là tín hiệu vui cho nông dân, doanh nghiệp trồng cao su ở nước ta.
Bình Phước - "Thủ phủ cao su" của cả nước, những ngày đầu tháng 11/2020, chưa bao giờ, người trồng cây cao su nơi đây lại vui mừng, phấn khởi như vậy, khi giá mủ cao su bật tăng lên mức 13.000 -15.000 đồng/kg mủ nước. Dù giá của "vàng trắng" chưa đạt đến đỉnh điểm như giai đoạn năm 2011-2012, nhưng cũng giúp người nông dân vơi bớt khó khăn.
Giá mủ cao su tăng, công nhân các nông trường cao su cũng phấn khởi vì đời sống sẽ được cải thiện. Để bảo đảm vườn cây cao su sinh trưởng, phát triển có được sản lượng nhất định thì bà con nên đầu tư chăm sóc vườn cây. Đặc biệt, tăng cường bón phân, giảm số lần cạo, chỉ cạo D2 hoặc D3, có thể kết hợp chất kích thích để tăng sản lượng".
Giá cao su lên cao bất ngờ, theo các công ty kinh doanh cao su thì nguyên nhân do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng đột biến. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng cao su trong lĩnh vực y tế cũng tăng khoảng 50% so với năm 2019.
Đã có thời điểm, giá mủ cao su tăng cao, nhiều hộ gia đình tập trung khai thác, vắt kiệt sức cây để bù lại thời điểm giá cả thấp, chính vì vậy sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ, chất lượng mủ.
Những năm qua, giá mủ giảm sâu nên mỗi năm đã có hàng chục ngàn ha cao su già cỗi, cao su đang cho khai thác ở Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận được thanh lý để trồng mới lại hoặc chuyển sang trồng các loại cây khác. Diện tích cao su giảm mạnh dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch với loại cây trồng này.
Thúc đẩy gỗ hợp pháp trong ngành cao su
Ngày 11/11, VRA đã tổ chức hội thảo khởi động Dự án “Thúc đẩy sự tuân thủ hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) trong ngành cao su Việt Nam”. Theo đó, dự án sẽ được thực hiện đến tháng 7/2021 và triển khai thí điểm tại 2 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh.
Dự án được thực hiện với sự tham gia hỗ trợ của các chuyên gia cao su và lâm nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm nhằm đảm bảo các kết quả đề ra, từ đánh giá tổng quan về ngành gỗ cao su Việt Nam đến xác định các thách thức, khó khăn trong việc tuân thủ Hệ thống VNTLAS và cuối cùng là xây dựng tài liệu hướng dẫn cho các hộ tiểu điền và doanh nghiệp sản xuất gỗ cao su.
Ngoài ra, dự án sẽ nâng cao năng lực cho VRA trong việc hỗ trợ các bên liên quan của chuỗi cung ứng gỗ cao su trong việc thực hiện theo các tiêu chí của Dự án VNTLAS và các vấn đề liên quan đến Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) với Liên minh châu Âu (EU).
EU là một trong 5 thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ quan trọng của Việt Nam bên cạnh các thị trường xuất khẩu khác như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU đạt trên 1,03 tỷ USD, chiếm 9,2% thị phần xuất khẩu. Trong 9 tháng đầu năm 2020 Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt gần 662 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.