Chờ...

Giá cao su hôm nay 18/1/2021: Giá mở cửa tại Osaka và Thượng Hải đều tăng

(VOH) - Giá cao su ngày 18/1 tiếp tục diễn biến tăng do tâm lý của các nhà sản xuất Nhật Bản được cải thiện, cho thấy tiềm năng đầu tư nhiều hơn sẽ thúc đẩy nền kinh tế.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 18/1/2021, lúc 12h00, kỳ hạn tháng 6/2021, tăng 1,1 JPY, tương đương 0,5%, ghi nhận ở mức 244,2 JPY/kg.

Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)

Giá cao su hôm nay 18/1/2021: Giá mở cửa tại Osaka và Thượng Hải đều tăng ảnh 1

Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 2,1% lên 14.810 CNY/tấn.

Theo cuộc thăm dò của Reuters Tankan, tâm lý của các nhà sản xuất Nhật Bản đã ổn định vào tháng 1/2021, ở mức ít bi quan nhất trong hơn 1 năm bị tác động của đại dịch Covid-19, nhưng các công ty dịch vụ lại ảm đạm hơn khi các biện pháp giãn cách mới ảnh hưởng tới phần lớn dân số của nước này.

Nhập khẩu cao su của Trung Quốc trong năm 2020 (gồm cả cao su tự nhiên và cao su tổng hợp) đã tăng 13,6% so với năm 2019. Hoat động sản xuất cao su nước này vẫn đang sôi động trước khi các nhà máy tạm ngưng cho kỳ nghỉ Tết Âm lịch truyền thống.

Trung Quốc đã báo cáo số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh nhất trong hơn 10 tháng khi dịch bệnh bùng phát tăng gần gấp 3 lần tại tỉnh Hắc Long Giang ở phía đông bắc nước này. Có 28 triệu người đã được cách ly tại nhà ở các tỉnh phía bắc. Mật độ đi lại gia tăng vào thời điểm Tết Nguyên đán cũng làm tăng nguy cơ lây lan đại dịch bệnh ở Trung Quốc.

Theo Reuters, thị trường cao su dự kiến sẽ ổn định trong thời gian tới, khi mùa đông tại các nước sản xuất Đông Nam Á sẽ đến sớm vào đầu năm 2021, nhanh chóng trả lại thời tiết ấm áp cho cây cao su. Năm 2019, mùa đông đã kéo dài từ tháng 2 đến tháng 5, khiến sản lượng mủ cao su tại Thái Lan, Malaysia và Indonesia sụt giảm.

Giá cao su hôm nay 18/1/2021: Giá mở cửa tại Osaka và Thượng Hải đều tăng ảnh 2

Xuất khẩu cao su năm 2020 thu về gần 2,4 tỷ USD

Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc là ba thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020, chiếm thị phần lần lượt là 76,8%, 3,7% và 2,1%. 

Trong khi đó, khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 12/2020 ước đạt 150.000 tấn với giá trị 200 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị cao su nhập khẩu năm 2020 đạt 1,1 triệu tấn và 1,43 tỷ USD, tăng hơn 45% về khối lượng và tăng 17,2% về giá trị so với năm 2019.

Campuchia (chiếm thị phần 26,4%), Hàn Quốc (14,9%), Nhật Bản (10,4%) là ba thị trường cung cấp cao su nhập khẩu chính cho Việt Nam. So với cùng kỳ năm 2019, giá trị nhập khẩu cao su từ thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản giảm lần lượt 11,4% và 11,7%, trong khi nhập khẩu từ Campuchia tăng 139,5%.

Thị trường mủ cao su nguyên liệu trong nước tháng 12/2020 diễn biến giảm cùng với xu thế trên thị trường thế giới. Tại Bình Phước, giá thu mua mủ nước giảm 20 đồng/kg xuống 320 đồng/độ, mủ cao su giữ ở mức 12.000 đồng/kg. Giá mủ tại Đồng Nai giảm 1000 đồng/kg xuống 12.000 đồng/kg. 

Giá cao su giảm do không chắc chắn về gói kích thích kinh tế mới ở Mỹ và các ca mắc mới Covid-19 vẫn không ngừng tăng tại Mỹ và châu Âu gây áp lực tâm lý lên thị trường. 

Tuy nhiên, khi triển vọng gói kích thích kinh tế Mỹ sáng sủa hơn, giá cao su tăng nhẹ, đạt mức 244 yên/kg. Giá cao su physical trên thị trường châu Á diễn biến giảm trái chiều với thị trường kỳ hạn. 

Giá cao su hôm nay 18/1/2021: Giá mở cửa tại Osaka và Thượng Hải đều tăng ảnh 3
Ảnh minh họa - Internet 

Doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng nhà máy sản xuất sợi lốp xe tại Việt Nam

Kolon Industries, một công ty sản xuất vật liệu công nghiệp của Hàn Quốc, ngày 12/1 cho biết công ty này sẽ mở rộng nhà máy sản xuất sợi lốp xe tại Việt Nam để tăng cường xuất khẩu sản phẩm.

Theo đó, Kolon Industries sẽ đầu tư 68 tỷ won (62 triệu USD) vào Công ty TNHH Kolon Industries Bình Dương để giúp công ty con ở Việt Nam mở rộng nhà máy vào tháng Chín năm sau.

Sợi lốp được sử dụng như vật liệu gia cố lốp xe, giữ hình dạng và tăng cường độ bền cho lốp.

Kolon Industries đã đầu tư 140 tỷ won để xây dựng nhà máy sản xuất sợi lốp 16.800 tấn/năm tại Việt Nam vào năm 2018. Việc đầu tư thêm theo kế hoạch trên sẽ nâng công suất nhà máy này lên 36.000 tấn/năm.

Công ty mẹ hiện có 3 nhà máy sợi lốp - ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam - với tổng công suất đạt 103.200 tấn.