Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 18/3/2021, lúc 12h00, kỳ hạn tháng 8/2021, giảm 1,6 JPY, xuống mức 271,2 JPY/kg.
Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)
Giá cao su kỳ hạn tháng 4/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 0,23% chốt ở 15.090 CNY/tấn.
Giá cao su thế giới tăng vào phiên sáng nay sau khi số liệu cho thấy hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc tăng mạnh trong hai tháng đầu năm 2021, vượt dự báo nhấn mạnh sự phục hồi tại nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới này.
Tuy nhiên, xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 2/2021 giảm nhanh hơn so với dự kiến do các lô hàng xuất sang Mỹ và Trung Quốc suy yếu, gây lo ngại cho sự hồi phục của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này sau đại dịch.
Sri Trang (SET), nhà sản xuất cao su Thái Lan đã dự báo, nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu năm 2021 sẽ ở mức 13,4 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2020.
Tháng 1/2021, Hàn Quốc nhập khẩu 15,39 nghìn tấn cao su tổng hợp (mã HS: 4002), đạt trị giá trên 35,85 triệu USD, tăng 7,5% về lượng và tăng 6,3% về trị giá so với cùng tháng năm ngoái.
Các thị trường lớn nhất cung cấp cao su tổng hợp cho Hàn Quốc trong tháng 1/2021 là Mỹ, Trung Quốc, Cộng hòa Séc, Nhật Bản và Singapore. Cao su tổng hợp của Việt Nam chỉ chiếm 0,07% trong tổng lượng cao su tổng hợp nhập khẩu của Hàn Quốc.
Giá cao su tháng 2 tăng do thị trường kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế thế giới
Báo cáo thị trường nông, lâm, thủy sản số ra mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong tháng 2/2021, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt tăng do nhu cầu tăng và thị trường kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế thế giới.
Theo dự báo của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) nhu cầu đối với cao su trong thời gian tới sẽ ngày càng tăng do dự báo nền kinh tế Trung Quốc - nước tiêu thụ cao su hàng đầu thế giới - tiếp tục cải thiện, nhất là vào năm 2021.
Đồng thời, các hãng ôtô đẩy tăng sản lượng cũng khiến nhu cầu cao su thiên nhiên tăng theo.
Trong khi nguồn cung có thể bị gián đoạn do yếu tố thời tiết, sản lượng tại các quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới như Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Malaysia có thể giảm khi mùa đông bắt đầu, cây cao su rụng lá và cho sản lượng mủ thấp. Nhờ vậy, giá bán cao su dự kiến tiếp tục tăng.
Tổ chức nghiên cứu cao su Quốc tế (IRSG) dự báo nhu cầu cao su tự nhiên thế giới năm 2021 sẽ hồi phục nhờ tăng trưởng của phân khúc xe thương mại, chủ yếu nhờ thị trường của những nước mới nổi.
Trong khi đó, nhu cầu cao su tổng hợp năm 2021 dự báo sẽ tăng 10,2% so với năm 2020 nhờ nhu cầu găng tay và các sản phẩm khác tăng mạnh trong mùa dịch.
Việt Nam cung cấp gần 4.000 tấn cao su cho Hàn Quốc
Báo cáo thị trường nông, lâm, thủy sản của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, tháng 1/2021, Hàn Quốc nhập khẩu 44.020 tấn cao su (mã HS: 4001, 4002, 4003, 4005), trị giá 84,16 triệu USD, tăng gần 7% về lượng và tăng gần 16% về trị giá so với tháng 1/2020.
Trong đó, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc và Mỹ là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Hàn Quốc.
Trong tháng 1/2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 3 cho Hàn Quốc với 3.930 tấn, trị giá 7,51 triệu USD, giảm 13,5% về lượng, nhưng tăng hơn 8% về trị giá so với tháng 1/2020.
Thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hàn Quốc chiếm 8,93%, giảm so với mức 11,03% của tháng 1/2020.
Mỹ, Trung Quốc, Cộng hòa Séc, Nhật Bản và Singapore là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tổng hợp cho Hàn Quốc trong tháng 1/2021.
Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp cho Hàn Quốc trong tháng 1/2021 có sự thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Mỹ, Trung Quốc, Cộng hòa Séc, Nhật Bản tăng, trong khi thị phần của Singapore giảm. Cao su tổng hợp của Việt Nam chỉ chiếm 0,07% trong tổng lượng cao su tổng hợp nhập khẩu của Hàn Quốc.