Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 18/9/2021, lúc 13h00, kỳ hạn tháng 2/2022, tăng lên mức 1,3 JPY, tương đương 0,65% lên mức 201,3 JPY/kg.
Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)
Giá cao su kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn Thượng Hải quay đầu giảm nhẹ 80 CNY xuống 13.825 CNY, tương đương 0,58%.
Giá cao su tại Nhật Bản dao động, khi một loạt số liệu từ nước mua hàng đầu – Trung Quốc – cho thấy tăng trưởng trong lĩnh vực nhà máy và bán lẻ tháng 8/2021 tiếp tục giảm, dấy lên mối lo ngại về nhu cầu nguyên liệu suy yếu.
Nhu cầu cao su của Ấn Độ dự báo hồi phục mạnh trong năm 2021 khiến nước này phải nhập khẩu nhiều cao su hơn vì sản lượng trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 47,36 nghìn tấn, trị giá 85,5 triệu USD, tăng 70,6% về lượng và tăng 119,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.805 USD/tấn, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su sang Ấn Độ trong 7 tháng năm 2021 hầu hết đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tăng mạnh nhất là RSS1 tăng 49%, Latex tăng 39,4%, SVR CV50 tăng 33,3%.
Giá cao su kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn giao dịch SICOM của Singapore ở 164,7 US cent/kg (+0,2%).
Phú Yên: Cao su tăng giá nhưng lượng mủ thấp
Hiện giá mủ cao su được thương lái thu mua tăng so với giá bình quân năm trước. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, 2 năm liền cao su giảm tái tạo mủ, năng suất thấp nên người trồng không vui. Bên cạnh đó, vườn cao su đến thời điểm thu hoạch rộ thì mưa bất thường, khiến mủ tràn xuống gốc.
Theo UBND xã Sơn Định, hiện toàn xã có 103 ha cao su, trong khi trước năm 2017, diện tích cao su lên đến 457,7 ha. Nguyên nhân dẫn đến diện tích giảm là do đợt bão cuối năm 2017 làm ngã chết cây cao su, cùng với đó 3 năm nay nắng hạn kéo dài cũng làm cho năng suất mủ cao su sụt giảm, nên nhiều người phá bỏ.
Đang vào chính vụ thu hoạch mủ song nhiều nông hộ trồng cao su tiểu điền cũng không mặn mà. Theo ông Nguyễn Quốc Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Định, thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của nhân dân. Những năm gần đây, phần lớn diện tích cao su không thể khai thác mủ khi đã đến vụ, một phần vì giá thấp, một phần vì cao su ít tái tạo mủ. Riêng năm nay, sản lượng mủ giảm nhiều.
Theo nhiều người trồng cao su, các vườn cao su đang xấu dần, cây không sung sức, lá không xanh như trước.
Nguyên nhân là mấy năm trước, giá mủ cao su xuống thấp, người trồng không đầu tư làm cỏ, bón phân, chăm sóc nên vườn cây kém phát triển. Cùng với đó, 3 năm liên tiếp nắng hạn kéo dài khiến thân cây mất nước, cho ít mủ, thời gian cho mủ cũng ngắn nên sản lượng thấp.
Thông thường, bước vào vụ thu hoạch mủ cao su, trên các tô đựng mủ có mái che, thế nhưng mấy năm gần đây, giá mủ thấp nên người trồng không màng đầu tư, hầu hết mái che cũ đã mục nên khi gặp mưa, nước chảy đầy tô trộn với mủ tràn xuống đất.