Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 22/3/2021, lúc 8h00, kỳ hạn tháng 8/2021, tăng 3 JPY, tương đương 1,14% lên mức 264,0JPY/kg.
Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)
Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 1,49% xuống mức 14.530 CNY/tấn.
Cao su thế giới xuống thấp do lo ảnh hưởng từ việc lãi suất của Mỹ tăng và giá dầu suy yếu. Cục dự trữ liên bang Mỹ cam kết giữ lãi suất thấp và nguồn cung giảm từ Đông Nam Á cũng hạn chế đà giảm sâu.
Nhu cầu cao su tăng mạnh từ Trung Quốc khiến giá xuất khẩu của Campuchia cao hơn 10%
Tháng 3/2021, giá cao su xuất khẩu của Campuchia đến cảng Thành phố Hồ Chí Minh tăng lên 1.800 USD/tấn so với khoảng 1.500 USD/tấn trong cùng kỳ năm ngoái.
Trong 2 tháng đầu năm 2021, Campuchia đã xuất khẩu tổng cộng 83.620 tấn mủ cao su tự nhiên, tăng 10,3% so với 75.809 tấn của cùng kỳ năm ngoái, là mức tăng tương ứng với tốc độ tăng giá.
Bên cạnh nhu cầu tăng từ Trung Quốc, nhu cầu tăng từ khách hàng Ấn Độ và tình trạng thiếu nhân lực lao động từ nhiều tháng nay ở các khu vực trồng cao su chính trong khu vực Đong Nam Á cũng là nguyên nhân khiến cao su tăng giá.
Cao su được khai thác quanh năm, nhưng sản lượng mủ cao su giảm vào mùa đông từ tháng 2 tới tháng 5, khi cây rụng lá.
Trong khi đó giá cao su tại các nước Đông Nam Á khác như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan... hầu như không biến động.
Thị phần cao su Việt Nam tại Ấn Độ giảm mạnh
Trong năm 2020, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp cao su tự nhiên cho Ấn Độ với 67,15 nghìn tấn, trị giá 99,39 triệu USD, giảm 51,5% về lượng và giảm 51,8% về trị giá so với năm 2019.
Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ trong năm 2020 cũng giảm từ 28,39% trong năm 2019, xuống còn 17,78%. Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tự nhiên cho Ấn Độ năm 2020 thay đổi khi thị phần của Việt Nam và Malaysia trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ giảm, thị phần của Indonesia, Bờ Biển Ngà và Singapore tăng.
Trong năm 2020, Ấn Độ cũng giảm nhập khẩu mặt hàng cao su tổng hợp, giảm 4,1% về lượng và giảm 20,4% về trị giá so với năm 2019, trong đó Hàn Quốc, Nga, Singapore, Nhật Bản và Mỹ là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tổng hợp cho Ấn Độ.
Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp chính cho Ấn Độ trong năm 2020 cũng thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Hàn Quốc, Singapore trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ giảm, trong khi thị phần của Nga, Nhật Bản và Mỹ tăng. Thị phần cao su tổng hợp Việt Nam chỉ chiếm 0,13% trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ.
Dự báo giá cao su tiếp tục tăng do yếu tố mùa vụ
Giá cao su physical trên thị trường châu Á cũng diễn biến tăng trong tháng 2/2021.
Trong khi đó, thị trường mủ cao su nguyên liệu trong nước không biến động nhiều sau Tết Nguyên đán. Khối lượng xuất khẩu cao su tháng 2/2021 ước đạt 130.000 tấn với giá trị 211 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 2 tháng đầu năm 2021 đạt 320.000 tấn và 516 triệu USD, tăng 89,9% về khối lượng và gấp 2,1 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1 năm 2021, chiếm thị phần lần lượt là 72,7%, 4,6% và 2,7%.
Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản dự báo giá cao su tiếp tục tăng do yếu tố mùa vụ.
Tại Trung Quốc, sản lượng và doanh số bán ô tô của nước này trong tháng 1/2021 đạt lần lượt đạt 2,388 triệu chiếc và 2,503 triệu chiếc, tăng 34,6% và 29,5% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng giảm gần 16% và 11,6% so với tháng 12/2020.
Dự kiến tình hình tiêu thụ ô tô của Trung Quốc năm 2021 tương đối tốt. Bộ Thương mại Trung Quốc đã ban hành một thông báo về "Hướng dẫn thúc đẩy tiêu thụ ô tô trong lĩnh vực thương mại" và "Kinh nghiệm và thực tiễn của một số địa phương".