Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 26/12/2020, lúc 10h00, kỳ hạn tháng 4/2021, tăng 0,6 JPY tương đương 0,3%, ghi nhận ở mức 235,5 JPY/kg.
Nhưng tính chung cả tuần, giá vẫn giảm hơn 4%.
Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)
Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 25 CNY lên 14.240 CNY/tấn.
Anh đã đạt được thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU) trong ngày 24/12, sau nhiều tháng thương lượng, chỉ vài ngày trước khi nước này rời khỏi liên minh, còn gọi là Brexit.
Nhiều thương gia Tokyo cho biết thị trường cao su dự kiến sẽ duy trì vững khi mùa đông tại các nước sản xuất Đông Nam Á sẽ đến sớm vào đầu năm tới, mùa đông thường khô kéo dài từ tháng 2 - tháng 5 tại Thái Lan, Malaysia và Indonesia, khiến sản lượng mủ cao su suy giảm.
Thị trường cao su Malaysia đã duy trì đà giảm và các thị trường khác trong khu vực cũng chứng kiến xu hướng đi xuống vào cùng thời điểm. Nguyên nhân là do thị trường bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của giá dầu thô.
Hiện chất lượng và sản lượng mủ tại Thái Lan, Malaysia hay Ấn Độ đang bị ảnh hưởng đáng kể, do thời tiết xấu.
Sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc được ổn định trở lại, tồn trữ cao su sàn Thượng Hải đã tăng 1,9% so với tuần trước. Đây là kết quả của hoạt động thu mua mủ nguyên liệu từ đầu tháng 11 đến nay.
Trung Quốc chi gần 1,3 tỷ USD nhập khẩu cao su Việt Nam
Cục XUất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 10 tháng năm 2020, nhập khẩu cao su (mã HS 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt 8,65 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc, đạt 1,29 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2019. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc 10 tháng năm 2020 chiếm 14,9%, tăng so với mức 13,5% của 10 tháng năm 2019.
Về cơ cấu mặt hàng, Trung Quốc nhập khẩu cao su tự nhiên (mã HS 4001) đạt 2,23 tỷ USD, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm 2019. Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 4 cho Trung Quốc trong 10 tháng năm 2020, đạt 169,72 triệu USD, giảm 38,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Thị phần cao su tự nhiên Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ mức 9,9% của 10 tháng năm 2019, xuống còn 7,6% trong 10 tháng năm 2020.
Trong 10 tháng năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS 400280) đạt 3,91 tỷ USD, tăng hơn 39% so với cùng kỳ năm 2019. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Myanmar là 5 thị trường lớn nhất cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp cho Trung Quốc.
Giá cao su đầu tháng 12 sụt giảm khi dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều nước
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), ngày 8/12, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 1/2021 ở mức 246,9 Yên/kg (tương đương 2,37 USD/kg), giảm gần 2% so với cuối tháng 11/2020, nhưng tăng 40% so với cùng kỳ năm 2019.
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), ngày 8/12 giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 1/2021 ở mức 14.620 NDT/ tấn (tương đương 2,24 USD/kg), giảm 3,8% so với cuối tháng 11/2020, nhưng tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Tại Thái Lan, ngày 8/12, giá cao su RSS 3 chào bán ở mức 68,1 Baht/kg (tương đương 2,27 USD/kg), giảm 1,4% so với cuối tháng 11/2020, nhưng tăng 48,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Cục Xuất nhập khẩu giá cao su giảm trong những phiên gần đây do dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều nước trên thế giới. Dự báo, giá cao su thế giới có thể sẽ tăng trong thời gian tới do lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc tiếp tục hồi phục, doanh số bán ô tô ở Ấn Độ tăng và Mỹ nhiều khả năng sẽ thông qua các chương trình kích thích kinh tế.
Tại thị trường Việt Nam, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2020, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,01 triệu tấn, trị giá 1,29 tỷ USD, tăng hơn 17% về lượng và tăng 12% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân đạt 1.274 USD/ tấn, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2019.