Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 26/7/2021, lúc 11h30, kỳ hạn tháng 11/2021, tăng lên 3,4 JPY, tương đương 1,62% lên mức 213,3 JPY/kg.
Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)
Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn Thượng Hải tăng mạnh 115 CNY, tương đương 0,87%, lên mức 13.330 CNY/tấn.
Trong những phiên gần đây, giá cao su tại Nhật Bản phục hồi khi thị trường kỳ vọng vào những biện pháp hỗ trợ nhiều hơn của Trung Quốc để củng cố sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Các nước sản xuất cao su tự nhiên thế giới (ANRPC) đã giữ nguyên dự báo nguồn cung cao su tự nhiên thế giới năm 2021 ở mức 13,81 triệu tấn.
Nhu cầu cao su tự nhiên tăng nhờ kinh tế Mỹ, châu Âu và Anh phục hồi tốt hơn dự kiến. Tuy nhiên, giá cao su chịu tác động giảm khi thị trường dầu mỏ thế giới giảm trước lo ngại về khả năng bổ sung nguồn cung trong thời điểm số ca mắc COVID-19 tăng nhanh, có thể dẫn tới các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch.
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ ôtô tại nhiều thị trường chậm lại do tác động của dịch COVID-19 và nguồn cung cao su tự nhiên tăng khi các nước sản xuất vào vụ thu hoạch cũng tác động đến thị trường.
Theo ước tính từ Hiệp hội các quốc gia xuất khẩu cao su (ANRPC), tổng lượng tiêu thụ cao su đã phục hồi từ mốc thấp khi nền kinh tế thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, đã phải hứng chịu sự bùng nổ của đại dịch từ đầu năm 2020.
Ngoài điều kiện thuận lợi của thị trường cao su, giá hàng hóa này cũng theo xu hướng giá dầu thô từ tháng 2/2021 khi giá dầu đã tăng bình quân 13,7% so với đầu năm 2021.
Sự sụt giảm trong tổng sản lượng cao su đã bắt đầu từ năm 2020 nhưng chênh lệch cung cầu bắt đầu trở nên rõ rệt hơn trong năm 2021.
Việt Nam tăng nhập khẩu cao su: Góc nhìn và thực trạng
Việt Nam được biết đến là quốc gia xuất siêu cao su thiên nhiên. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su thiên nhiên (CSTN) của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 714.319 tấn, giá trị xuất khẩu 1,2 tỷ USD với đơn giá bình quân 1.685 USD/tấn; tăng 48,2% về lượng và 88,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Đây được xem là dấu hiệu tích cực đối với ngành cao su trong giai đoạn khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đang gây nhiều tác động tiêu cực lên nền kinh tế Việt Nam và thế giới như hiện nay.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây có một số thông tin được đăng tải về cán cân thương mại của ngành cao su Việt Nam chưa được hiểu đúng, có thể gây nhầm lẫn rằng Việt Nam chỉ là “Trạm trung chuyển” cao su thiên nhiên (CSTN) giữa các nước và gần như đánh mất vị thế là nước xuất khẩu.
Hơn nữa, số liệu dẫn chứng trong các thông tin đăng tải chỉ là góc nhìn từ một hướng và chưa đi sâu vào tình hình sản xuất, xuất khẩu thực tế trong ngành.
Thứ nhất, với cao su tổng hợp (CSTH), hiện nay Việt Nam hoàn toàn chưa có doanh nghiệp sản xuất trong nước, vì vậy, đều phải nhập khẩu 100% từ các thị trường như châu Âu, Đài Loan, Hàn Quốc... cho nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cao su tại Việt Nam. Việc nhập cao su tổng hợp này để chế biến sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao hơn nhằm nâng cao giá trị gia tăng của ngành cao su. Đây là điều mà phần lớn các thông tin đăng tải chưa đề cập, dẫn đến thông tin chưa phản ánh đầy đủ thực trạng của ngành cao su Việt Nam hiện nay.
Thứ hai, việc nhập khẩu CSTN từ Campuchia và Lào kể từ năm 2015 về bản chất là nhập khẩu CSTN từ các vườn cây trong các dự án đầu tư trồng cao su của doanh nghiệp Việt Nam tại hai thị trường này. Vì yếu tố khoảng cách địa lý và tình trạng thiếu hụt nhà máy chế biến tại địa phương, một số doanh nghiệp có xu hướng vận chuyển CSTN về Việt Nam để chế biến và xuất khẩu.
Đặc biệt là thị trường Trung Quốc, sau một thời gian gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh trong khi sản lượng trong nước không đủ đáp ứng, việc nhập khẩu từ thị trường khác là giải pháp duy nhất trong bối cảnh Việt Nam không có chủ trương gia tăng diện tích trồng cao su để đảm bảo quy hoạch của Nhà nước và sự phát triển bền vững của ngành hàng.
Thứ ba, theo chủ trương của Chính phủ, ngành cao su Việt Nam không chỉ chú trọng đến xuất khẩu CSTN mà còn có cả sản phẩm cao su, vì vậy, một lượng lớn CSTN được sử dụng trong sản xuất sản phẩm nhằm tạo giá trị gia tăng cho ngành.
Nhìn chung, Việt Nam nhập khẩu cao su thiên nhiên hay cao su tổng hợp đều mang ý nghĩa quan trọng để góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của ngành cao su Việt Nam. Đây là tín hiệu tích cực khi các doanh nghiệp cao su vẫn ứng phó và phát triển tốt trong bối cảnh hàng trăm doanh nghiệp phải ngưng hoạt động trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.