Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 29/10/2020, lúc 11h00, kỳ hạn tháng 4/2021 giảm 10,1 JPY tương đương 3,7%, ghi nhận ở mức 264,2 JPY/kg.
Như vậy, cao su trên sàn Osaka Nhật Bản hôm nay chấm dứt đà tăng thứ 9 liên tiếp kể từ tuần trước.
Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)
Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 1,1% xuống 16.035 CNY/tấn.
Trong một cuộc thăm dò của 37 nhà phân tích của Reuters cho thấy, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc năm 2020 được dự đoán thấp nhất trong hơn 40 năm, nhưng Trung Quốc đang hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch với tốc độ tăng dự kiến lên 8,4% trong năm 2021.
Giá cao su giảm trong khi nền kinh tế Nhật Bản đang dần ổn định, kéo theo sự vực dậy của các hoạt động sản xuất. Chế biến cao su tại Nhật đang cải thiện, xu hướng kinh doanh giai đoạn tháng 7 - 9/2020 cải thiện từ mức thấp nhất 11 năm của quý trước đó, theo kết quả thăm dò của Ngân hàng trung ương Nhật Bản.
Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cho biết, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu đã giảm gần 9% trong 8 tháng đầu năm 2020. ANRPC cũng dự đoán sản lượng cao su tự nhiên thế giới trong cả năm 2020 sẽ giảm gần 7% so với năm 2019, xuống còn 12,9 triệu tấn.
Giá cao su tăng vọt vì đâu?
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) từ đầu tháng 10, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước có xu hướng tăng so với cuối tháng 9/2020.
Trên thị trường thế giới, ghi nhận gần nhất trong 10 ngày giữa tháng 10/2020, giá cao su trên các thị trường chủ chốt cũng có xu hướng tăng mạnh.
Hoạt động chế biến cao su tại Nhật Bản đang được cải thiện, dấy lên hi vọng về sự hồi phục kinh tế sau đại dịch, Cục Xuất nhập khẩu nhận định. Như vậy, đây là tháng thứ 4 liên tiếp, giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam liên tục tăng kể từ tháng 6/2020 đến nay.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội cao su-nhựa TPHCM cho biết: "Giá cao su thiên nhiên đang có xu hướng tăng do thị trường Trung Quốc nhập khẩu nhiều trong thời gian gần đây. Đáng chú ý, bất chấp dịch COVID-19, 80% doanh nghiệp trong ngành cao su đều tăng doanh thu xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm nay.
Ngoài ra, giá cao su tăng trở lại còn do nguồn cung hạn hẹp bởi mùa mưa tại Thái Lan và tình trạng thiếu hụt lao động tại các vùng trồng cao su do các biện pháp phòng dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác mủ cao su.
Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường găng tay cao su ngày càng tăng. Điển hình xuất khẩu găng tay cao su của Thái Lan tăng gần 155% trong tháng 9/2020 so với cùng kì năm ngoái.
Thị trường cao su thế giới hồi phục chậm lại
Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) dự báo sản lượng cả năm 2020 sẽ giảm 6,8% so với năm 2019, xuống 12,901 triệu tấn, chủ yếu do sự sụt giảm ở Thái Lan và Ấn Độ. Theo đó, triển vọng sản lượng cao su tự nhiên thế giới trong cả năm 2020 thấp hơn 1,9 điểm phần trăm so với dự báo một tháng trước đó là có thể giảm 4,9% trong năm 2020 xuống còn 13,149 triệu tấn. Sản lượng của Thái Lan dự báo sẽ giảm 332.000 tấn, xuống 4,478 triệu tấn.
Báo cáo lưu ý rằng, tiêu thụ NR thế giới trong 8 tháng đầu năm 2020 đã giảm 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 8,151 triệu tấn.
Trong bối cảnh phục hồi các hoạt động kinh tế giữa các nước và dự kiến phục hồi kinh tế nhanh hơn ở Trung Quốc, tiêu thụ cao su được dự báo sẽ tốt hơn trong 4 tháng còn lại của năm 2020, khi chỉ giảm 1,8% so với cùng kỳ.
ANRPC cho rằng triển vọng nhu cầu cao su tự nhiên thế giới trong cả năm 2020 sẽ tăng nhẹ lên 12,611 triệu tấn, mặc dù vẫn giảm 8,4% so với năm trước và cao hơn so với triển vọng đưa ra một tháng trước đó là 12,544 triệu tấn.
Tóm lại, báo cáo cho thấy giá NR tiếp tục được cải thiện trong tháng 9/2020, ở các mức độ khác nhau và trên các thị trường thực tế khác nhau.