Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 30/8/2021, lúc 13h30, kỳ hạn tháng 1/2022, giảm nhẹ xuống mức 0,8 JPY, tương đương 0,39% xuống mức 205,4 JPY/kg.
Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)
Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải tăng nhẹ 25 CNY, tương đương 0,18%, lên mức 13.885 CNY/tấn.
Giá cao su tại sàn châu Á giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình vận chuyển chưa có dấu hiệu cải thiện, tình trạng thiếu container rỗng sẽ tiếp tục diễn ra.
Đồng thời, giá cước vận chuyển cao được dự báo kéo dài sang tận năm 2022, ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu cao su của các nước.
Tuy nhiên, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang các thị trường lớn dự báo tiếp tục xu hướng tăng nhờ thời kinh tế thế giới đang dần hồi phục do các biện pháp phong tỏa được nới lỏng.
Hiệp hội Các nhà sản xuất găng tay cao su Malaysia dự đoán, tình trạng thiếu găng tay cao su trên toàn cầu sẽ còn kéo dài tới quý I/2022. Trong khi đó, nhu cầu cao su tự nhiên cho sản xuất găng tay cao su được dự báo tiếp tục tăng tại quốc gia này.
COVID-19 khiến xuất khẩu cao su nửa đầu tháng 8 quay đầu giảm
Xuất khẩu cao su đang bị ảnh hưởng bởi nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất do nằm trong khu vực phong tỏa, hoặc sản xuất bị ảnh hưởng bởi công nhân nghỉ việc, bị cách ly, sống trong vùng có dịch...
Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình vận chuyển chưa có dấu hiệu được cải thiện, tình trạng thiếu container rỗng sẽ tiếp tục diễn ra. Đồng thời, giá cước vận chuyển cao được dự báo kéo dài sang tận năm 2022, do đó sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu cao su của Việt Nam.
Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng xuất khẩu cao su của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ dự báo tiếp tục xu hướng tăng nhờ nhu cầu tại các nước này được cải thiện và kinh tế đang dần hồi phục do các biện pháp phong tỏa được nới lỏng.
Trước đó, trong tháng 7/2021, xuất khẩu cao su đạt 204.520 tấn, trị giá 338,2 triệu USD, tăng 25,3% về lượng và tăng 22,8% về trị giá so với tháng 6/2021; so với tháng 7/2020 tăng 1% về lượng và tăng hơn 38% về trị giá.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 74,1% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 151.540 tấn trong tháng 7/2021, trị giá 245,47 triệu USD, tăng 30,8% về lượng và tăng gần 30% về trị giá so với tháng 6; so với tháng 7/2020 giảm 10,6% về lượng, nhưng tăng 20,7% về trị giá.
Mỹ tăng gần 82% giá trị nhập khẩu cao su Việt Nam
Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ cho biết 6 tháng đầu năm 2021, Mỹ nhập khẩu 912.350 tấn cao su (mã HS 4001, 4002, 4003, 4005), trị giá 1,81 tỷ USD, tăng 3,6% về lượng và tăng 16,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, Indonesia, Thái Lan, Canada, Hàn Quốc và Bờ Biển Ngà là 5 thị trường cung cấp cao su nhiều nhất cho Mỹ.
Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 11 cho Mỹ với 21.010 tấn, trị giá 37,14 triệu USD, tăng 54,4% về lượng và tăng 81,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 4 cho Mỹ. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ chiếm 4,7% trong 6 tháng đầu năm 2021.
Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp cho Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2021 có sự thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Nhật Bản trong tổng nhập khẩu của Mỹ tăng; trong khi thị phần của Đức, Hàn Quốc, Mexico, Nga giảm.