Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 6/5/2021, lúc 12h00, kỳ hạn tháng 10/2021, tăng lên mức 13 JPY, tương đương 5,31% lên mức 257,9 JPY/kg.
Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)
Giá cao su kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn Thượng Hải tăng mạnh 2,72%, ghi nhận mức giá 14.180 CNY/tấn.
Kỳ hạn tháng 6/2021 ở mức 13.765 Nhân dân tệ/tấn, giảm 70 Nhân dân tệ so với giao dịch trước đó; kỳ hạn tháng 8/2021 ở mức 13.915 Nhân dân tệ/tấn, giảm 95 Nhân dân tệ so với giao dịch trước đó.
Ông Heng Piseth, người đứng đầu Sở Nông Lâm Thủy sản tỉnh Tbong Khmum (Suong, Campuchia), chia sẻ: “Năm nay, giá cao su mà các thương nhân và công ty thu mua từ nông dân cao hơn một chút so với năm ngoái do nhu cầu trên thị trường quốc tế cao hơn”.
Theo Tổng cục Cao su Campuchia, các đồn điền cao su ở quốc gia này có tổng diện tích là 404.159 ha. Trong số đó, có 292.497 ha (72%) được khai thác để lấy mủ, còn 111.663 ha (28%) cao su còn lại đang trong quá trình trưởng thành.
Campuchia cũng đã xuất khẩu hơn 350.000 tấn cao su trong năm ngoái, thu về hơn 482 triệu USD. Các điểm đến hàng đầu của cao su Campuchia là Trung Quốc, Việt Nam, Singapore và Malaysia, The Phnom Penh Post đưa tin.
Các hãng ô tô đau đầu vì nguy cơ thiếu cao su làm lốp
Nguồn cung cao su thiếu hụt, đình trệ đang bủa vây hàng loạt nhà sản xuất, trong khi giá cả ngày càng tăng. Đang phải vật lộn với việc phải đóng cửa nhà máy do ảnh hưởng của đại dịch cũng như việc thiếu chip để sản xuất ôtô, các hãng xe nay phải đối mặt thêm thách thức khác: nguồn cung lốp đang ngày càng giảm.
Nút thắt ở tuyến đường biển đang gây ra sự gián đoạn trong quá trình di chuyển của cao su thiên nhiên – vật liệu chủ chốt sử dụng trong lốp ô tô và cũng là một thành phần dưới nắp ca-pô.
Ngoài ra, chuỗi cung ứng toàn cầu thiếu hụt do một số nơi tích trữ từ trước, cũng như cây cao su bị nhiễm bệnh khiến giá cao su bị đẩy lên và một số nhà cung ứng của Mỹ phải chật vật đảm bảo các chuyến vận chuyển hàng trước khi thị trường lại rơi vào cảnh túng quẫn.
Trên thế giới, nhiều nhà máy sản xuất ô tô rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, thậm chí tạm đóng cửa do cuộc khủng hoảng thiếu linh phụ kiện, dẫn tới hậu quả là hàng tỷ USD lợi nhuận biến mất. Những nguyên liệu như mút xốp để làm ghế cho tới kim loại và nhựa polyester cũng trở nên khan hiếm.
Ngành công nghiệp ô tô – vốn lâu nay dựa vào phương thức sản xuất just-in-time (chỉ sản xuất và vận chuyển những gì cần thiết, vào đúng thời điểm với số lượng cần thiết) nhằm giảm chi phí – đang nhận ra bản thân với khả năng linh hoạt bị giới hạn trước tình trạng chuỗi cung ứng trở nên xáo trộn do dịch bệnh. Việc thiếu cao su đe dọa hoạt động sản xuất ô tô trong khi nhu cầu phục hồi.
Thái Lan - nhà sản xuất và xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới – đã phải gắng gượng khi giá bán xuống thấp liên tục, khiến các trang trại cao su phải cạo mủ nhiều hơn bình thường để bù cho mức thu nhập thấp – việc khiến họ ít có ý định trồng thêm.
Cung ứng cũng gắn chặt với nhu cầu về găng tay cao su trong thời gian dịch bệnh, thêm những tác động từ các yếu tố thiên nhiên, gồm hạn hán, lũ lụt và bệnh đốm lá tại những quốc gia sản xuất cao su hàng đầu thế giới dẫn tới tình hình ngày càng căng thẳng.
Nước Mỹ bị tác động từ chuỗi cung ứng cao su từ nửa cuối 2020, khi Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới và cũng là nơi tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất, tận dụng việc giá cả xuống thấp và kinh tế hồi phục để thu mua, theo Whitney Luckett, chủ sở hữu Simko North America – nhà phân phối cao su thiên nhiên có trụ sở ở Colorado, cũng là 1 trong 3 công ty tương tự tại Mỹ.