Giá gas hôm nay 19/10/2022: Lao dốc, EU đề xuất áp mức giá trần đối với khí đốt

(VOH) – Giá gas hôm nay 19/10 giảm mạnh đồng loạt tại thị trường trong nước và thế giới. Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ giảm 7% sáng nay.

Giá gas trong nước giảm lần thứ 6 liên tiếp

Từ ngày 1/10, các doanh nghiệp kinh doanh gas trong nước thông báo tiếp tục giảm 18.000 đồng mỗi bình gas loại 12 kg, loại 45 kg giảm 67.500 đồng/bình, tùy thương hiệu.

Cụ thể, Công ty Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) thông báo, giá bán gas Saigon Petro giảm 18.500 đồng/bình 12kg. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 405.000 đồng bình 12kg.

Tương tự, giá gas City Petro cũng giảm 18.000 đồng/bình 12kg và giảm 75.000 đồng/bình 50kg từ ngày 1/10. Giá gas bán lẻ của thương hiệu này đến tay người tiêu dùng không vượt quá 426.500 đồng/bình 12 kg và 1.776.500 đồng/bình 50 kg.

Công ty Petrolimex Gas Sài Gòn cũng cho biết trong tháng 10 giá gas điều chỉnh giảm 18.000 đồng/bình 12kg, giá bán lẻ khu vực TPHCM là 411.000 đồng/bình 12kg.

Theo các công ty gas, nguyên nhân giá gas trong nước tiếp tục giảm là do giá gas thế giới hạ.

Giá gas hôm nay 19/10/2022: Lao dốc, EU đề xuất áp mức giá trần đối với khí đốt 1
 EU đề xuất áp mức giá trần đối với khí đốt.

Giá gas thế giới giảm mạnh

Giá gas hôm nay 19/10, lúc 9h30, giờ Việt Nam, giảm mạnh gần 5%, xuống mức 6,3 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí đốt tự nhiên giao vào tháng 11/2022.

Giá khí đốt tự nhiên của Mỹ giảm khoảng 7% xuống mức thấp nhất trong ba tháng do dự báo nhu cầu thấp hơn vào tuần tới so với dự kiến trước đó.

Hợp đồng khí đốt kỳ hạn của Mỹ đã giảm trong 8 tuần qua do sản lượng kỷ lục và xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) giảm.

Ủy ban châu Âu EC sẽ đề xuất trong tuần này một mức trần giá động đối với khí đốt tự nhiên ở Liên minh châu Âu (EU) và các giới hạn bắt buộc về mức độ mà giá giao dịch có thể dao động trong một ngày.

EU đang tìm cách loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga, nhưng trong những tháng qua, Moscow đã cắt phần lớn khối khỏi các đường ống dẫn khí đốt của mình, khiến giá cả tăng vọt và dẫn đến những lo ngại về nguồn cung.

Các biện pháp này không được ảnh hưởng đến an ninh nguồn cung, cũng như không dẫn đến gia tăng tiêu thụ khí đốt, và không ảnh hưởng đến hoạt động có trật tự của các thị trường phái sinh năng lượng.

Đề xuất này thấp hơn nhiều so với giới hạn giá khí đốt toàn EU mà 15 quốc gia EU đã kêu gọi, nhưng bị các nước khác như Đức, Áo và Hà Lan phản đối vì cho rằng mức trần có thể dẫn đến tình trạng thiếu khí đốt.

Với thời tiết ôn hòa sắp tới, Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv dự báo nhu cầu khí đốt trung bình của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giảm từ 100,3 bcfd trong tuần này xuống 94,9 bcfd vào tuần tới.

Lượng khí trung bình đến các nhà máy xuất khẩu LNG của Mỹ cho đến nay đã giảm xuống 11,0 bcfd trong tháng 10 từ mức 11,5 bcfd trong tháng 9. Con số đó so với kỷ lục hàng tháng là 12,9 bcfd vào tháng 3.