Giá gas thế giới giảm nhẹ
Giá gas hôm nay 24/8, giảm nhẹ 0,56% xuống mức 2,47 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí đốt tự nhiên giao vào tháng 9/2023.
Giá khí đốt tự nhiên chuẩn của châu Âu giảm trong bối cảnh căng thẳng thị trường về tranh chấp lao động đe dọa nguồn cung LNG từ Australia, theo Oilprice.com.
Trước đó, hợp đồng TFF (của Hà Lan) đã tăng hơn 5% đạt mức cao nhất kể từ tháng 4 năm nay. Sự biến động mạnh mẽ cho thấy những người tham gia thị trường đang lo lắng về kết quả của cuộc đàm phán giữa Woodside và các công đoàn về lương và điều kiện làm việc.
Ngày 20/8, các công đoàn tại các giàn khoan khí đốt ngoài khơi North West Shelf của Woodside cho biết có thể đình công sớm nhất là vào ngày 2/9 nếu các yêu cầu thương lượng của công nhân đối với các giàn khoan khí đốt ngoài khơi Woodside không được giải quyết trước thứ tư.
Dự án North West Shelf của Woodside là dự án sản xuất LNG lớn nhất Australia với công suất 16,9 triệu tấn/năm, tiếp theo là Gorgon của Chevron với công suất 15,6 triệu tấn.
Dù dự trữ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) đang tạm thời bình ổn gần đây, cuộc khủng hoảng năng lượng (vốn đã khiến khu vực này “điêu đứng” trong gần hai năm) đến hiện tại vẫn chưa thực sự kết thúc. Trong khi đó, thị trường vẫn còn bất an, bởi tính chất dễ thương tổn của nguồn cung.
Năm ngoái, châu Âu đã vượt qua được cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ bằng cách tăng cường nhập khẩu LNG. Dòng chảy năng lượng nhập khẩu bằng đường biển đã giúp EU bù đắp nguồn cung khí đốt qua đường ống bị Nga mạnh tay cắt giảm.
Từ chỗ phụ thuộc vào khí đốt Nga, châu Âu chuyển sang phụ thuộc vào LNG, và điều này khiến cho giá năng lượng ở châu Âu càng nhạy cảm hơn với sự gián đoạn nguồn cung từ mọi nơi trên thế giới, thậm chí là ở Australia.
LNG từ Australia hiếm khi được xuất khẩu trực tiếp sang châu Âu, vì quãng đường vận chuyển quá dài dẫn tới chi phí vận chuyển tốn kém.
Tuy nhiên, nếu các khách hàng nhập khẩu truyền thống LNG từ Australia ở khu vực châu Á phải tìm kiếm nguồn cung thay thế, họ sẽ cạnh tranh gay gắt với châu Âu. Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều có tên trong danh sách những nước nhập khẩu nhiều LNG nhất thế giới.