Giá lúa tăng, nông dân phấn khởi

(VOH) - Vụ lúa Đông Xuân 2015-2016 tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dù đang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ hạn hán và xâm nhập mặn, nhưng bù lại giá lúa lại đang có chiều hướng tăng mạnh có lợi cho nông dân.

Giá lúa tăng, nhiều thương lái thu mua

Cụ thể diễn biến giá lúa tại một số tỉnh trong tháng 3 như sau: Tại Vĩnh Long, lúa tươi IR50404 tăng từ 4.650 đồng/kg lên 4.800 đồng/kg, lúa khô tăng tới 600 đồng/kg.

Tại Bạc Liêu, lúa tươi từ 4.600 đồng/kg tăng lên 5.200 đồng/kg, lúa tài nguyên đang hút hàng, giá ở mức 6.000 – 6.500 đồng/kg, lúa khô từ 5.400 đồng/kg lên 6.000 đồng/kg.

Còn tại An Giang tình hình giá lúa diễn biến cũng rất sáng sủa cho nông dân.

Nông dân trồng lúa ở đây bộc bạch: "chúng tôi rất phấn khởi, một là năng suất cũng tương đối tốt, vụ Đông Xuân này năng suất từ trên 8 tấn/hecta, có hộ 10 tấn, thứ hai là giá lúa trên 5.000, rồi thêm nữa là thương lái thu mua cũng nhộn nhịp, coi như đáp ứng yêu cầu của bà con trong vùng, tức là lúa tới thời kỳ bán là có bạn hàng mua hết".

"Giá lúa rất tốt, vụ Đông Xuân năm rồi tột đỉnh là 4.300, còn hiện tại bây giờ là 5.300. Theo tôi thống kê một số bà con thì bình quân 1.000m2  lời khoảng 2 triệu".

 

 

Thu hoạch lúa tại Hồng Ngự, Đồng Tháp - Ảnh: TTO

Lợi nhuận cao nhờ ứng dụng tiến bộ KHKT

Điều đáng mừng là cùng với giá lúa tăng cao, nhiều nơi nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp bà con tiết kiệm được chi phí và giúp nâng cao lợi nhuận trong canh tác.

Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hậu Giang, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh, nông dân đã thu hoạch dứt điểm khoảng 72.000 hecta lúa Đông Xuân trên tổng diện tích là 79.000 hecta.

Trong vụ lúa Đông Xuân năm nay, bằng cách đầu tư phân bón và quản lý cây trồng hợp lý mà hiệu quả đem lại cho người trồng lúa trong tỉnh là rất tốt.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang khẳng định: "Về giá thành năm nay phải nói là trong 13 tỉnh ĐBSCL vừa qua thực hiện điều tra thì giá thành của Hậu Giang tương đối thấp hơn so với các tỉnh khác.

Cụ thể thì giá thành của Hậu Giang qua điều tra thì chỉ có 2.802 đồng/kg. Đây cũng là một bước đột phá của Hậu Giang, tức là qua chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật thì người nông dân tương đối thực hiện tốt, chính những yếu tố này góp phần giúp người nông dân tiết giảm chi phí và đây cũng là định hướng mà chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện cho các vụ kế tiếp".

Theo Cục Trồng trọt, toàn vùng ĐBSCL hiện đã thu hoạch hơn 1.400.000 hecta lúa Đông Xuân trên tổng diện tích là 1.590.000 hecta, với năng suất bình quân ước đạt 6,8 tấn/hecta.

Từ đây cho đến hết tháng 4, dự kiến các tỉnh sẽ thu hoạch xong phần diện tích còn lại. Điều đáng ghi nhận cho đến lúc này là vụ lúa Đông Xuân 2015-2016 thực sự là một vụ lúa “trúng mùa, được giá” cho nông dân. Bởi giá lúa từ sau Tết nguyên đán đến nay luôn nằm ở mức có lợi cho bà con so với vụ Đông Xuân 2014-2015. Đặc biệt tại những vùng có điều kiện sản xuất khó khăn, chỉ có thể canh tác được giống lúa IR50404 thì tình hình giá lúa diễn biến như trên làm nông dân phấn khởi.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang nói: "Giá lúa tăng trên 5.000/kg, với giá lúa IR50404 chênh lệch khoảng 200-300 đồng/kg. Tùy vào từng vùng, nếu điều kiện khó khăn như phèn, mặn thì người ta trồng giống lúa IR50404 nhiều, còn vùng khác điều kiện tốt hơn thì trồng giống lúa chất lượng cao".

Có thể nói việc tiêu thụ lúa hàng hóa tại ĐBSCL hiện đang diễn ra nhộn nhịp và giá bán dao động ở mức cao. Đây là bức tranh hoàn toàn trái ngược so với vụ Đông Xuân năm rồi khi mà vụ Đông Xuân năm nay Chính phủ không cần phải ban hành chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo.

Đầu ra thuận lợi

Đề cập đến một số nguyên nhân giúp giá lúa tăng trong thời gian gần đây, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho hay: "Thứ nhất, do hợp đồng cũ chuyển qua, rồi mình ký hợp đồng mới nữa và hợp đồng hiện nay còn giao từ tháng 3 trở đi là khoảng 1.400.000 tấn, trong đó có hơn 200.000 tấn đi Cuba; thứ hai là El Nino, hạn-mặn thông tin dồn dập liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng; thứ ba là hiện tượng đầu cơ cũng đã có xuất hiện, cũng có một số doanh nghiệp ngoài ngành thấy rằng dự báo giá gạo sẽ quay lại thời kỳ năm 2008 với 1.000 USD/tấn".

Như vậy có thể thấy đầu ra thuận lợi chính là một trong những nguyên nhân quan trọng tạo nên bức tranh sinh động cho vựa lúa ĐBSCL ở thời điểm hiện tại. Vấn đề này được cụ thể hóa qua thống kê của Bộ NN&PTNT về tình hình xuất khẩu gạo trong quí 1 vừa được công bố.

Đó là kết thúc 3 tháng đầu năm 2016 xuất khẩu gạo cả nước ước đạt gần 1,6 triệu tấn, tăng 41,6% về khối lượng và tăng 40,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015; trong đó xuất khẩu gạo tháng 3 đạt 629 ngàn tấn với kim ngạch 274 triệu USD.