Giá phân bón hôm nay 8/3/2024: Đi ngang trên diện rộng

VOH - Giá phân bón ngày 8/3 không có thay đổi mới tại các khu vực miền Trung và khu vực Tây Nam Bộ.
Giá phân bón hôm nay 8/3/2024: Đi ngang trên diện rộng 1
Ảnh minh họa: Internet

Giá phân bón hôm nay tại khu vực miền Trung

Giá phân bón tại khu vực miền Trung tiếp đà chững lại.

Phân lân Lào Cai đang giữ giá thấp nhất là 240.000 - 270.000 đồng/bao. Trong khi giá phân NPK 20 - 20 -15 ở mức cao nhất là 940.000 - 980.000 đồng/bao. 

Hiện tại, phân DAP Hồng Hà đang giữ mức giao dịch cao nhất là 1.100.000 - 1.130.000 đồng/bao.

Giá phân bón hôm nay tại khu vực Tây Nam Bộ

Giá phân bón tại khu vực Tây Nam Bộ duy trì ổn định.

Hiện tại, phân DAP Hồng Hà duy trì giá giao dịch cao nhất ở 1.100.000 - 1.130.000 đồng/bao.

Ngược lại, phân KALI Miểng Cà Mau lại có giá thu mua thấp nhất ở mức 530.000 - 550.000 đồng/bao. 

Phân tích về thị trường urê trong nước đầu năm 2024, TS. Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định, giá nông sản xuất khẩu đang được giá, nhất là gạo xuất khẩu nên nhu cầu mua phân bón để ở rộng sản xuất cũng tăng theo.

Đây là điểm khác biệt so với cùng kỳ năm 2023, nhiều tỉnh thành có hiện tượng nông dân bỏ ruộng hoặc bón phân cầm chừng do giá nông sản rớt mạnh.

Số liệu dự báo từ Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, năm 2024 này, nông sản Việt tiếp tục gặt hái nhiều thành quả khi Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia Trung Đông ưa chuộng nông sản Việt. Ảnh hưởng của El Nino dự báo sẽ khiến nguồn cung lương thực thế giới giảm sút và đây là cơ hội cho các mặt hàng nông sản Việt Nam đang có nhiều dư địa như gạo, sầu riêng, cà phê...

Bên cạnh đó, giá thành sản xuất ure trong nước đang bị tăng lên do giá khí - nguyên liệu đầu vào để sản xuất urê của hai nhà máy đạm Phú Mỹ và Cà Mau tăng. Giá xăng dầu tăng cũng ảnh hưởng tới chi phí vận chuyển phân bón và nguyên liệu đầu vào. Cùng với đặc điểm thị trường phân bón trong nước liên thông mật thiết với thị trường quốc tế, các yếu tố này đã khiến giá urê trong nước tăng lên.

Bước sang năm 2024, nhiều tổ chức dự báo giá ure lẫn nhu cầu sẽ hồi phục nhẹ. Trong đó, dự kiến nguồn cung sẽ tiếp tục bị thắt chặt khi Nga kéo dài việc hạn chế xuất khẩu phân bón đến tháng 5/2024. Đồng thời, Trung Quốc tiếp tục hạn chế xuất khẩu ure để đảm bảo nguồn cung và ổn định giá trên thị trường nội địa. Nga và Trung Quốc là hai quốc gia sản xuất và xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới hiện nay.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hiện dự báo nhu cầu tiêu thụ khí thiên nhiên toàn cầu năm 2024 tăng 2,5% so với năm 2023 do mùa Đông sẽ lạnh hơn đáng kể khi năm 2023 đã ấm bất thường. Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ điện tại châu Á, Bắc Mỹ và Trung Đông dự kiến sẽ tăng lên khi các hoạt động kinh tế dần hồi phục, kéo theo nhu cầu sử dụng khí.

Về phía nhu cầu sử dụng, Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFA) hiện dự báo tiêu thụ phân bón trên toàn cầu năm nay sẽ tăng 4% so với năm 2023, đạt 192,5 triệu tấn.

Thậm chí, Ngân hàng Rabobank (Hà Lan) lạc quan dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ phân bón có thể sẽ đạt tới 5% khi giá phân bón đã ở mức thấp đáng kể.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Quốc tế về Khí hậu (IRI), hiện tượng El Nino có sẽ suy yếu dần sau nửa đầu năm nay, sau đó sẽ dần chuyển sang giai đoạn trung tính và có xác suất cao sẽ chuyển sang giai đoạn La Nina giữa tháng 7 và tháng 9/2024.

Tình hình thời tiết thuận lợi hơn sẽ thúc đẩy hoạt động gieo trồng trên toàn cầu từ nửa sau năm nay. Đồng thời, các nhà tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Brazil và châu Âu đồng loạt quay trở lại đấu thầu trong nửa sau năm nay để đảm bảo nguồn cung phân bón cho giai đoạn cao điểm gieo hạt vụ Hè -Thu sắp tới.

Nhu cầu tăng trong khi nguồn cung bị thắt chặt hơn sẽ thúc đẩy giá ure hồi phục. Hiện hãng chứng khoán KB Securities Vietnam (KBSV) dự báo giá ure hạt đục Trung Đông trong năm nay sẽ tăng 6,1% so với năm 2023, đạt 380 USD/tấn; qua đó, dẫn dắt sự phục hồi của giá ure tại các khu vực khác trên toàn cầu.

Bình luận