Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giá sắt thép xây dựng hôm nay 29/12: Thép trong nước tăng, thế giới giảm

(VOH)-Giá thép ngày 29/12 giảm trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Thép trong nước tăng nhưng sức mua giảm ngay cuối năm.
Giá thép hôm nay 29/12/2022
Ảnh minh họa: internet

Thép trong nước lại điều chỉnh giá bán

Hàng loạt thương hiệu thép như Hòa Phát, Việt Ý, Pomina... sau một khoảng thời gian bình ổn đều đã có sự điều chỉnh về giá bán trong dịp cuối năm.

Trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ thép trong nước tiếp tục ảm đạm, giá nguyên liệu đầu cũng đang có xu hướng tăng, nhiều thương hiệu thép trong nước đã có động thái điều chỉnh giá bán theo tình hình của thị trường.

Thương hiệu thép Hòa Phát thông báo tăng mạnh giá bán sau thời gian dài bình ổn. Theo đó, mặt hàng thép cuộn CB240 tăng 200.000 đồng/tấn lên mức 14,7 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn D10 CB300 tăng 380.000 đồng/tấn, lên thành 15,02 triệu đồng/tấn tại khu vực miền Bắc.

Tại khu vực miền Nam, thép Hòa Phát cũng thông báo tăng 350.000 đồng/tấn và 190.000 đồng/tấn, giá hai loại thép trên. Như vậy, giá thép xây dựng mới nhất trong ngày 28/12 của Hòa Phát lần lượt ở mức 14,71 triệu đồng/tấn và 14,76 triệu đồng/tấn.

Tương tự tại miền Trung, giá thép cuộn CB240 của Hòa Phát cũng tăng 350.000 đồng/tấn, lên 14,66 triệu đồng/tấn và thép D10 CB300 tăng 210.000 đồng/tấn lên 15,01 triệu đồng/tấn.

Với thép Việt Ý, mặt hàng thép CB240 và D10 CB300 lần lượt giảm 50.000 đồng/tấn và 50.000 đồng/tấn trong ngày 28/12, xuống còn 14,7 triệu đồng/tấn và 15 triệu đồng/tấn. Còn thép Pomina, hai loại thép trên cũng giảm 60.000 đồng/tấn và 260.000 đồng/tấn xuống cùng mức giá 16,06 triệu đồng/tấn.

Trong đợt điều chỉnh giá bán lần này, thép Việt Đức, thép Miền Nam, thép Việt Nhật, thép Thái Nguyên cũng đồng loạt thông báo tăng giá bán thêm 100.000-200.000 đồng/tấn. Hiện giá bán mặt hàng thép xây dựng đang dao động trong khoảng 14,7-16 triệu đồng/tấn, tùy loại thép và thương hiệu.

Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, thị trường thép trong nước quý 4/2022 sẽ còn gặp nhiều khó khăn do hoạt động xuất khẩu kém khả quan, cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất; các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỉ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành thép.

Bước sang năm 2023, ngành thép sẽ không có cải thiện đáng kể trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Bên cạnh đó, sự bất ổn của thị trường bất động sản cũng có thể làm giảm nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm thép. Với hơn 90% lượng tiêu thụ thép trong nước đến từ ngành xây dựng, thị trường nhà ở trì trệ có thể làm giảm nhu cầu trong nước trong năm tới.

Giá sắt thép xây dựng giảm trên Sàn giao dịch Thượng Hải

Giá thép ngày 29/12, giao tháng 5/2023 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 26 nhân dân tệ xuống mức 4.019 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 10h (giờ Việt Nam).

Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên Sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)

Giá sắt thép xây dựng hôm nay 29/12: Thép trong nước tăng, thế giới giảm 2

Vào hôm thứ Tư (28/12), giá quặng sắt kỳ hạn biến động trái chiều, với giá chuẩn trên Sàn giao dịch Singapore (SGX) giảm từ mức cao nhất trong 5 tháng, Reuters đưa tin.

Giá quặng sắt SZZFF3 giao tháng 1/2023 trên Sàn SGX đã giảm 0,1% xuống 113,35 USD/tấn, sau khi tăng vọt lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 7 là trên 114 USD/tấn vào thứ Ba (27/12).

Giá quặng sắt DCIOcv1 giao tháng 5/2023 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc đã kết thúc giao dịch ban ngày cao hơn 0,7% ở mức 835,5 nhân dân tệ/tấn (tương đương 119,87 USD/tấn).

Trước đó trong phiên, hợp đồng này đã chạm mức 838,5 nhân dân tệ/tấn - mức cao nhất theo ghi nhận kể từ ngày 16/12.

Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do các thương nhân đang cẩn trọng xem xét triển vọng nhu cầu sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiềm chế COVID và suy thoái kinh tế toàn cầu đang rình rập.

Trung Quốc đã thông báo vào thứ Hai (26/12) rằng, bắt đầu từ ngày 8/1, khách du lịch trong nước sẽ không còn cần phải cách ly, đồng thời Trung Quốc sẽ tiếp tục cấp thị thực cho cư dân đại lục đi du lịch nước ngoài.

Chính sách ngăn chặn COVID nghiêm ngặt của Trung Quốc đã hạn chế hoạt động công nghiệp và nhu cầu trong nước, đồng thời gây ra tình trạng bất ổn công cộng vào tháng trước.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, số ca nhiễm COVID ở Trung Quốc tăng đột biến và kỳ nghỉ lễ kéo dài đến sau Lễ hội Mùa xuân vào tháng sau có thể kìm hãm giá quặng sắt và thép trong thời gian tới.

Bình luận