Giá thép trong nước tăng hơn 300 đồng/kg
Ngày 7/10, một số doanh nghiệp thông báo giảm giá thép xây dựng trong nước sau ba lần tăng liên tiếp.
Theo đó, thép Hòa Phát ở miền Bắc, miền Nam đều giảm 200.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và 310.000 đồng/tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại trên là 15,02 triệu đồng/tấn và 15,12 triệu đồng/tấn.
Với thép Việt Ý, CB240 và D10 CB300 lần lượt giảm 150.000 đồng/tấn và 310.000 đồng/tấn. Sau khi giảm, giá hai loại trên là 14,97 triệu đồng/tấn và 15,02 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, giá của các loại thép Việt Đức, Kyoei, Miền Nam không đổi sau điều chỉnh tăng vào ngày 13/9 và dao động quanh mức 15-16 triệu đồng/tấn.
Trước đợt điều chỉnh này, giá thép tăng ba lần với tổng mức tăng lên đến khoảng 2 triệu đồng/tấn.
Trong tháng 8, theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắt thép các loại của cả nước là gần 513.736 tấn với kim ngạch gần 457,6 triệu USD, giảm 16,3% về lượng và giảm 29% về kim ngạch so với tháng 7.
Lũy kế 8 tháng, Việt Nam xuất khẩu hơn 5,9 triệu tấn sắt thép các loại với kim ngạch đạt 6,08 tỷ USD, giảm 30,3% về lượng và giảm 13,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng xuất khẩu sắt thép 8 tháng sang Trung Quốc ở mức 93.485 tấn, kim ngạch 55,5 triệu USD, giảm 95% cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Lượng sắt thép xuất khẩu sang hầu hết thị trường chính 8 tháng đầu năm đều giảm như Campuchia là 848.280 tấn, giảm 2,4%; Mỹ là 452.632 tấn, giảm 15,6%.
Về thị trường Trung Quốc, giá các loại thép và kim loại màu không biến động. Trung Quốc đang trong kỳ nghỉ lễ 10 ngày bắt đầu từ ngày 1/10.
Giá thép cuộn cán nóng là 3.970 nhân dân tệ/tấn (557 USD/tấn). Cuộn cán nguội là 4.423 nhân dân tệ/tấn (621 USD/tấn). Quặng sắt cũng giữ nguyên với 772 nhân dân tệ/tấn (108 USD/tấn).
Giá sắt thép xây dựng hôm nay trên Sàn giao dịch Thượng Hải
Giá thép ngày 7/10 giao tháng 1/2023 trên Sàn giao dịch Thượng Hải neo tại mức 3.799 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 10h00 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên Sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Trong tuyên bố ngày 6/10, Hội đồng châu Âu (EC) đã thông qua gói trừng phạt thứ 8 chống lại Nga vì cuộc xâm lược Ukraine, mở rộng lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm thép của Nga để bao gồm cả thép bán thành phẩm, theo S&P Global Platts.
Trong số một số hạn chế khác được công bố, EC cho biết họ đang cấm xuất khẩu than, bao gồm cả than luyện cốc, được sử dụng trong các nhà máy công nghiệp của Nga.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã cấm nhập khẩu thép thành phẩm từ Nga như một phần của lệnh trừng phạt được áp dụng vào tháng 3, trong khi một số nhà cung cấp nguyên liệu thô và bán thành phẩm trước đó cũng đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt áp dụng đối với các công ty và cá nhân cụ thể.
EC cho biết, các hạn chế nhập khẩu mới có tổng trị giá gần 7 tỷ euro (tương đương 6,9 tỷ USD). Cơ quan này cũng nói thêm rằng, lệnh cấm nhập khẩu một số sản phẩm thép bán thành phẩm sẽ phải tuân theo một giai đoạn chuyển tiếp.
Các nguồn tin thị trường cho biết, đại diện các nhà máy châu Âu đã đưa ra yêu cầu chính thức áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhập khẩu bán thành phẩm từ Nga sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố điều động quân sự một phần vào ngày 21/9.
Tuy nhiên, 9 công ty lớn - bao gồm cả thương nhân và nhà máy cuộn thép ở châu Âu, đã gửi một lá thư chung tới EC vào ngày 27/9 nhấn mạnh nguy cơ "xử phạt nguyên liệu đầu vào đối với mô hình kinh doanh cuộn thép ở châu Âu".
Theo lá thư, hơn 80% sản phẩm thép bán thành phẩm của EU đến từ Nga và Ukraine, và không có lựa chọn thực sự nào khác để thay thế nguồn cung đến từ các quốc gia này.
Do đó, bất kỳ lệnh cấm nhập khẩu nào đối với các sản phẩm thép bán thành phẩm, chẳng hạn như thép tấm hay phôi thép từ Nga, dự kiến cũng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho ngành công nghiệp.