Giá thép thế giới tăng
Giá thép ngày 12/11 giao tháng 1/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 6 nhân dân tệ lên mốc 3.847 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h30 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Theo kết quả phân tích doanh số bán hàng mới nhất của Trung Quốc đối với 4 thiết bị gia dụng lớn, bao gồm điều hòa không khí, tivi, tủ lạnh và máy giặt, sản lượng và doanh số bán hàng trong tháng 9 đã tăng lần lượt 10,62% và 9,57% so với cùng kì năm ngoái.
Dựa vào số liệu trên, ước tính tổng nhu cầu thép không gỉ cho 4 thiết bị gia dụng này trong tháng 9 là 198.600 tấn, tăng 1,27% so với tháng trước và tăng 14,43% so với cùng kì năm ngoái, theo Yieh Corp.
Từ trước đến nay, tháng 9 và tháng 10 đều là mùa cao điểm bán hàng tại Trung Quốc. Với sự trợ giúp từ tuần lễ vàng vào đầu tháng 10, các nhà máy thép đã tăng cường sản xuất trước hàng tồn kho và điều này đã hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ thép không gỉ.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi COVID-19, nhu cầu thép không gỉ dự kiến sẽ giảm nhẹ trong tháng này sau khi mùa cao điểm kết thúc. Một số nhà sản xuất thép cho rằng, nhu cầu thép không gỉ có thể tiếp tục tăng do tin tức về sự ra mắt của vaccine ngừa COVID-19.
Quặng sắt Trung Quốc tiếp tục tăng phiên thứ 4 liên tiếp do triển vọng nhu cầu mạnh từ nước tiêu thụ hàng đầu thế giới và dự trữ ở mức thấp tại các nhà máy thép.
Tồn trữ quặng sắt và thiêu kết nhập khẩu của các nhà máy thép tính đến ngày 4/11 giảm 12,9% so với tháng trước đó, theo Tianfeng Futures thuộc công ty tư vấn Mysteel.
Công suất sản xuất các lò cao của 163 nhà máy thép Trung Quốc giảm xuống 83,88% trong tuần trước so với một tuần trước đó, song cao hơn so với 81,93% trong tháng 11/2019.
Giá quặng sắt giao tháng 1/2021 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 1% lên 838 CNY/tấn, đóng cửa cao nhất kể từ ngày 15/9.
Giá quặng sắt hàm lượng 62% xuất sang Trung Quốc cũng tăng ngày thứ 4 liên tiếp và ở mức 121,5 USD/tấn trong ngày 10/11.
Tháng 10/2020: Sản xuất thép trong nước tăng mạnh
Mặc dù bị ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19, sự cạnh tranh gay gắt của thép nhập khẩu cũng như đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại nhưng ngành thép đã có sự phục hồi đáng kể trong thời gian qua.
Cụ thể, trong tháng 10/2020, sản lượng thép thô ước đạt hơn 3,37 triệu tấn, tăng 11%; thép cán ước đạt hơn 0,8 triệu tấn, tăng 23,6% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc ước đạt 0,92 triệu tấn, giảm 0,1% so với cùng kỳ.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2020, sản lượng sản xuất sắt thép thô; thép cán; thép thanh, thép góc đều tăng, lần lượt là 0,1%; 5,3% và 7,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, thép là ngành được kỳ vọng có điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực.
Tuy nhiên, hiện nay ngành thép vẫn phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam. Đặc biệt là thép phải đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ hay EU khiến xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất ngay trong nước.
Đồng thời nỗ lực khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước khác nhằm giảm đến mức thấp nhất việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế.