Giá thép thế giới tăng mạnh
Giá thép hôm nay giao tháng 10/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 94 nhân dân tệ lên mức 5.450 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 10h00 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên Sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Trong bối cảnh giá quặng sắt tăng lên mức cao chưa từng thấy do được thúc đẩy bởi sự phục hồi về nhu cầu thép toàn cầu, thị trường Trung Quốc đang xem xét tiềm năng thay thế hoặc bổ sung nguyên tố sắt trong sản xuất thép bằng thép tái chế, sau khi quốc gia này dỡ bỏ hạn chế nhập khẩu đối với phế liệu sắt vào tháng 1/2021.
Với việc vượt qua mốc nửa đầu năm đối với phân loại mới cho thép tái chế, nhập khẩu phế liệu đã không gây áp lực lên giá quặng sắt đường biển do những hạn chế trong việc sử dụng lò oxy cơ bản, bên cạnh hiệu quả chi phí thấp và nguồn cung khan hiếm.
Tuy nhiên, phế liệu sắt chủ yếu được sử dụng trong quy trình lò điện hồ quang (EAF), một cách sản xuất thân thiện với môi trường, hơn là trong quy trình lò cao (BOF).
Yếu tố này cũng nằm trong mục tiêu đầy tham vọng của Trung Quốc là đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và trung hòa carbon trước năm 2060.
Theo S&P Global Platts Analytics, công suất sản xuất thép EAF của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 17 triệu tấn/năm lên khoảng 198 triệu tấn/năm vào năm 2021, chiếm 15% tổng công suất thép thô của quốc gia này.
Bên cạnh đó, mức tăng ròng trong công suất sản xuất thép EAF của quốc gia này ước tính sẽ vào khoảng 10 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2022 - 2023.
Một nhà sản xuất thép có trụ sở tại Hà Bắc cho biết: “Với sự phục hồi nhu cầu ở châu Âu và Mỹ, giá phế liệu toàn cầu được duy trì ở mức cao, đồng nghĩa với việc sẽ có ít lợi ích khi sử dụng thép tái chế nhập khẩu trong thời gian tới”.
Cuộc khảo sát của Platts đối với các nhà sản xuất thép Trung Quốc chỉ ra rằng, tỷ lệ sử dụng phế liệu trong các lò BOF nhìn chung nằm trong khoảng 15 - 20%, với giới hạn trên lý thuyết là 25 - 30%.
Mặc dù nhập khẩu thép tái chế của Trung Quốc tăng ổn định, song những người tham gia thị trường kỳ vọng điều này sẽ không ảnh hưởng đến giá quặng sắt vào năm 2021 do quy mô và mức độ tăng trưởng vượt trội của thị trường này, S&P Global Platts đưa tin.
Hòa Phát bán thép giảm tháng thứ ba liên tiếp
Sau khi đạt đỉnh vào tháng 3, cùng thời điểm giá thép lên cao, sản lượng bán thép xây dựng của Hòa Phát giảm liên tiếp ba tháng tiếp theo.
Số liệu sản xuất và bán hàng trong tháng 6 của Hòa Phát cho thấy, sản lượng sản xuất thép thô của tập đoàn đạt 658.000 tấn, tăng 49% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 569.000 tấn, biên độ tăng chỉ còn 10%. Trong đó, thép cuộn cán nóng (HRC) và thép xây dựng đều đạt 230.000 tấn mỗi loại.
Nếu so với cùng kỳ, cả sản xuất và bán hàng của Hòa Phát đều tăng, nhưng biên độ đã thu hẹp so với lũy kế những tháng trước. Sản lượng bán thép xây dựng 230.000 tấn cũng là mức thấp nhất trong bốn tháng gần đây, và là tháng giảm thứ ba liên tiếp.
Trước đó, mức đỉnh về hoạt động của Hòa Phát được xác lập vào tháng 3, với sản lượng bán hàng lần đầu vượt 1 triệu tấn trong một tháng, riêng thép xây dựng đạt gần 480.000 tấn. Mức tăng về sản lượng bán hàng với thép xây dựng, HRC và phôi thép của tháng 3 so với cùng kỳ cũng đều trên 30%.
Theo Hòa Phát, sản lượng bán hàng thép xây dựng và ống thép giảm so với cùng kỳ và tháng trước do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư trên toàn quốc, đặc biệt là TP HCM và các tỉnh phía Nam, cộng với mùa mưa đã bắt đầu.
Lũy kế 6 tháng, sản lượng bán hàng thép xây dựng Hòa Phát đạt 1,8 triệu tấn, tăng 22%. Sản lượng thép cuộn cán nóng vượt 1,3 triệu tấn, còn lượng phôi thép phục vụ thị trường trong và ngoài nước là 608.000 tấn.