Giá thép xây dựng hôm nay 16/7: Tiếp tục xu hướng tăng

(VOH) - Giá thép ngày 16/7 tăng trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Giá quặng sắt tăng khi nền kinh tế của nước này phục hồi chậm lại, củng cố kỳ vọng về những hỗ trợ về mặt chính sách.

Giá thép thế giới tăng nhẹ

Giá thép ngày 16/7  giao tháng 10/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 9 nhân dân tệ lên mức 5.555 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 10h30 (giờ Việt Nam).

Giá thép xây dựng hôm nay 16/7/2021
Ảnh minh họa: internet

Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên Sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)

Giá thép xây dựng hôm nay 16/7: Tiếp tục xu hướng tăng 2

Vào hôm thứ Năm (15/7), giá kim loại đen kỳ hạn của Trung Quốc đồng loạt tăng, với giá quặng sắt trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) kéo dài đà tăng sang phiên thứ tư, Reuters đưa tin.

Cụ thể, hợp đồng quặng sắt DCIOcv1, được giao dịch nhiều nhất trên Sàn DCE, kết thúc giao dịch ban ngày cao hơn 1,6% ở mức 1.234 nhân dân tệ/tấn (tương đương 191,02 USD/tấn).

Trên Sàn giao dịch Singapore (SGX), hợp đồng quặng sắt SZZFQ1 giao tháng 8 /2021 được điều chỉnh tăng 1,9% lên 214 USD/tấn trong cùng ngày.

Các mặt hàng thép trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) cũng ghi nhận xu hướng tăng. Theo đó, giá thép thanh vằn xây dựng SRBcv1 tăng 0,9%, giá thép cuộn cán nóng SHHCcv1 tăng 0,5% và giá thép không gỉ SHSScv1 tăng 3,4%.

Trong quý II/2021, nền kinh tế của Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn dự kiến, phản ánh hoạt động sản xuất chậm lại và tình trạng chi phí nguyên liệu thô tăng cao.

Bên cạnh đó, sự bùng phát của làn sóng COVID-19 mới cũng đang đè nặng lên đà phục hồi của quốc gia sản xuất kim loại hàng đầu thế giới này.

Nền kinh tế Trung Quốc quý 2/2021 tăng chậm hơn dự kiến ở mức 7,9% so với quý 2/2020, do hoạt động sản xuất giảm. Nguyên nhân được cho là do chi phí nguyên liệu thô tăng cao và bùng phát Covid-19 mới gây áp lực lên đà phục hồi.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,9%, thép cuộn cán nóng tăng 0,5%, mặc dù sản lượng thép thô Trung Quốc trong tháng 6/2021 giảm 5,6% so với mức cao kỷ lục trong tháng 5/2021. Giá thép không gỉ tăng 3,4% lên 18.240 CNY/tấn – mức cao nhất kể từ năm 2019, trong bối cảnh nhu cầu nội địa tăng mạnh và tồn trữ ở mức thấp.

Các nhà phân tích tại ANZ cho biết, dữ liệu GDP đáng thất vọng đã làm tăng kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức hiện tại trong một thời gian dài.

Đồng thời, chính phủ có thể triển khai các biện pháp tiền tệ được cơ cấu hơn trong nửa cuối năm nay để giảm thiểu rủi ro cho hệ thống tài chính quốc gia.

Việc tính thanh khoản tăng thêm sau khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng giảm 50 điểm cơ bản vào tuần trước có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu thép và nguyên liệu thô trong thời gian tới.

Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh thuế suất với thép xây dựng

 Trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao, Bộ Tài chính đưa ra một số phương án điều chỉnh thuế suất xuất và nhập khẩu đối với mặt hàng phôi thép, sắt.

Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu phôi thép và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng thép xây dựng. Theo Bộ này, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số loại sắt thép xây dựng đã được áp dụng trong một thời gian dài với mức tương đối cao (lên đến 15%, 20% và 25%).

Do đó, để góp phần hạ giá mặt hàng thép xây dựng, thúc đẩy các doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao, Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phôi thép và mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số loại sắt thép.

Cụ thể, về thuế xuất khẩu phôi thép, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép (nhóm 72.06 và 72.07) từ 0% lên 5%. Thực hiện theo phương án này sẽ góp phần ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước, bình ổn giá trên thị trường và hạn chế được việc xuất khẩu phôi thép để giữ cho sản xuất trong nước, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thép trong dài hạn.

Về thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thép, để góp phần giảm giá thép nguyên liệu đầu vào, Bộ Tài chính trình Chính phủ giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thép.