Giá thép xây dựng hôm nay tiếp đà tăng
Giá thép thanh giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 20 nhân dân tệ lên 3.720 nhân dân tệ/tấn vào lúc 11h30, ngay 16/8, giờ Việt Nam.
Hợp đồng thép giao sau ở Trung Quốc kéo dài đà tăng vào thứ Năm (15/8) khi những người tham gia thị trường hi vọng Bắc Kinh sẽ đưa ra nhiều biện pháp để kích thích nền kinh tế trong nước trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, theo Reuters.
Kết thúc phiên giao dịch, giá thép cuộn cán nóng tăng phiên thứ 4 liên tiếp, tăng 0,7% lên 3.722 nhân dân tệ/tấn (tương đương 529,78 USD/tấn), mức chốt phiên cao nhất kể từ 2/8.
Ảnh minh họa: internet
Giá thép thanh xây dựng tăng 0,5% lên 3.715 nhân dân tệ/tấn, ghi nhận tăng phiên thứ ba liên tiếp.
Giá thép tăng bất chấp dữ liệu kinh tế Trung Quốc trong tháng 7 bất ngờ giảm gồm sự suy giảm rõ rệt về tăng trưởng sản lượng công nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài.
Giá thép cũng được hỗ trợ bởi một số nhà sản xuất thép Trung Quốc quyết định giảm sản lượng nhằm hỗ trợ giá suy yếu và thúc đẩy lợi nhuận biên bị ảnh hưởng bởi chi phí nguyên liệu tăng cao.
Giá quặng sắt đã rút lui với hợp đồng trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm tới 3,5% trong khi giá kì hạn tại Singapore giảm 2,4% do triển vọng nhu cầu đối với nguyên liệu thô giảm và khối lượng dự trữ tại các cảng gia tăng.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 1/2020 giảm 2,8% xuống 618 nhân dân tệ/tấn sau khi chạm mức thấp nhất hơn hai tháng cùng phiên trước đó.
Tại Singapore, hợp đồng quặng sắt hoạt động mạnh nhất, giao tháng 9 giảm 2,2% xuống còn 86,40 USD/tấn.
Giá quặng sắt hàm lượng 62% giao cho Trung Quốc ở mức 91,5 USD/tấn vào thứ Tư (14/8), hồi phục từ mức thấp nhất trong hơn 4 tháng.
Giá nguyên liệu sản xuất thép khác diễn biến trái chiều với than mỡ Sàn Đại Liên tăng 0,3% lên 1.329 nhân dân tệ/tấn song giá than cốc giảm 0,2% xuống 1.986 nhân dân tệ/tấn.
Các thông tin khác:
Thép ống tiêu chuẩn: Thống kê của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cho biết, trong tháng 6/2019 nước này nhập khẩu tổng cộng 30.000 tấn thép ống tiêu chuẩn, tăng 20,1% so với tháng 5/2019, trong khi giảm 11,3% so với tháng 6/2018.
Trong số đó, nhập khẩu từ Canada đạt 16.000 tấn, tăng so với 14.000 tấn tháng 5/2019 trong khi giảm so với 18.000 tấn tháng 6/2018, từ Mexico đạt 6.500 tấn, từ Thổ Nhĩ Kỳ đạt 4.460 tấn, từ Đài Loan (TQ) đạt 1.100 tấn.
Thép bán thành phẩm: Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cho biết, nhập khẩu thép thanh và thép tấm của Mỹ tăng lên 1,5 triệu tấn trong tháng 7/2019, tăng so với 275.000 tấn tháng 6/2019. Hầu hết nhập khẩu trong tháng 7/2019 từ Brazil đạt 1,3 triệu tấn.
Thép thương phẩm: Thống kê từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC), xuất khẩu thép thương phẩm của nước này bao gồm thép chữ U, I, H , L và T đạt 30.000 tấn trong tháng 6/2019, tăng 33,8% so với tháng 5/2019 nhưng giảm 30,3% so với tháng 6/2018.
Xuất khẩu sắt thép giảm trong tháng 7/2019
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính riêng trong tháng 7, lượng sắt thép xuất khẩu đạt 462 nghìn tấn, với trị giá đạt 311 triệu USD, giảm 8,2% về lượng và giảm 8% về trị giá.
Qua đó đưa lượng xuất khẩu mặt hàng này trong 7 tháng từ đầu năm 2019 đạt 3,89 triệu tấn, trị giá 2,53 tỷ USD, tăng 13,1% về lượng nhưng giảm 1,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Tính đến hết tháng 7/2019 sắt thép các loại chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường ASEAN như Campuchia 1,04 triệu tấn tăng 44,7%; Indonesia: 430 nghìn tấn, tăng 13,8%; Malaysia: 439 nghìn tấn, tăng 11,3%; Hoa Kỳ: 308 nghìn tấn, giảm 42,7%... so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu thép ra thị trường nước ngoài khó khăn hơn bởi các hàng rào phòng vệ thương mại. Từ đầu năm 2019 đến nay có ba vụ điều tra mới đối với Việt Nam, trong đó có hai vụ Ấn Độ điều tra đối với mặt hàng thép cán phẳng mạ kẽm và thép cuộn không gỉ và một vụ Indonesia điều tra đối với mặt hàng thép cán phẳng hợp kim.
Đầu tháng 7/2019, doanh nghiệp ngành thép Việt Nam bị giáng thêm một đòn nặng khi Bộ Thương Mại Mỹ (DOC) cho biết sẽ bắt đầu thu khoản thuế lên tới 456,23% giá trị sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam với nguyên liệu sử dụng được nhập từ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Đây được xem là mức thuế chống lẩn tránh thuế cao nhất từ trước đến nay Mỹ dành cho sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam.