Giá thép xây dựng hôm nay tăng
Giá thép thanh giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 42 nhân dân tệ lên 4.841 nhân dân tệ/tấn vào lúc 7h00, ngày 16/9, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thiết lập chính sách kiềm chế giá bất động sản tăng trong vài năm qua. Bất chấp các biện pháp đó, nhu cầu thép trong lĩnh vực bất động sản vẫn cho thấy khả năng phục hồi, theo Hellenic Shipping News.
Hoạt động xây dựng trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng mạnh mẽ trong giai đoạn 2017 - 2018. Các dự án xây dựng trong năm 2018 không giảm như mong đợi mà thay vào đó tăng trưởng hơn 10% so với năm trước.
Nhu cầu thép trong lĩnh vực bất động sản chiếm hơn 1/3 tổng nhu cầu thép của Trung Quốc, sự chậm lại này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất thép thô, quặng sắt và than cốc trong dài hạn.
Hiệp hội thép phản ứng mạnh với đề xuất 'tăng thuế để ngăn thép Trung Quốc'
Liên quan đến việc Bộ Tài chính lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Nghị định 125/2017 theo hướng tăng thuế suất nhập khẩu ưu đãi thông thường (MFN) đối với thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 từ 0% lên 5%, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có văn bản góp ý vấn đề này.
VSA cho rằng biện pháp tăng thuế suất MFN đối với thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 không những không hạn chế được thép Trung Quốc mà còn tạo cơ hội để lượng thép nhập từ Trung Quốc gia tăng.
Do đó, VSA kiến nghị Bộ Tài chính không điều chỉnh tăng thuế suất MFN đối với sản phẩm này. Đồng thời, Bộ Công Thương chưa áp dụng bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào đối với mặt hàng thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 nói chung.
Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, việc tăng thuế suất thép cán nóng từ 0% lên 5% giúp tăng thu ngân sách nhà nước khoảng 137,15 triệu USD, tương đương 3.152 tỷ đồng.
Bộ Công Thương thông báo rà soát chống bán phá giá với thép mạ Trung Quốc, Hàn Quốc
Sau 01 năm áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát lần thứ nhất biện pháp chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép mạ có xuất xứ Trung Quốc và Hàn Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo đó, tới ngày 12 tháng 11 tới đây là được một năm áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép mạ có xuất xứ từ nước Trung Quốc và Hàn Quốc.
Các bên liên quan theo quy định tại Điều 74 Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 có quyền nộp hồ sơ yêu cầu rà soát theo hướng dẫn lập hồ sơ kèm đính kèm thông báo này.
Trước đó, ngày 12 tháng 11 năm 2018, sau một năm áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép hình chữ H có xuất xứ từ Trung Quốc và thuế chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép hình mạ có xuất xứ từ Hàn Quốc, Trung Quốc, bộ Công thương Tiếp tục duy trì mức thuế này và cho phép các bên liên quan có 60 ngày để rà soát lại quyết định này.