Giá thép thế giới tăng nhẹ
Giá thép ngày 20/1 giao tháng 5/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 5 nhân dân tệ lên mức 4.703 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 7h55 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên Sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Giá quặng sắt tại Đại Liên tăng hơn 4% sau 3 phiên giảm liên tiếp, sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc đưa ra các chính sách kích thích bổ sung để ổn định nền kinh tế.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Đại Liên tăng 4,3% lên 735 CNY (115,79 USD)/tấn, trước đó trong phiên đạt 741,5 CNY/tấn – cao nhất kể từ ngày 13/1/2022.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 2/2022 trên sàn Singapore tăng 2,6% lên 130,3 USD/tấn.
Vào hôm thứ Tư (19/1), giá than nhiệt kỳ hạn của Trung Quốc đã tăng hơn 6%, chạm mức được thấy lần cuối vào cuối tháng 11, trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại nguồn cung thắt chặt trước kỳ nghỉ Tết - thời điểm các mỏ than thường hoạt động chậm lại hoặc đóng cửa.
Cụ thể, hợp đồng than nhiệt kỳ hạn CZCcv1, được giao dịch tích cực nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu (ZCE), tăng 6,6% lên mức 774,8 nhân dân tệ/tấn (tương đương 122,06 USD/tấn).
Sự phục hồi này phù hợp với xu hướng tăng trên thị trường giao ngay. Dữ liệu được theo dõi bởi Cơ quan Vận tải và Phân phối Than Trung Quốc (CCTD) cho thấy, giá than nhiệt loại 5.500 kcal/kg chuẩn tại các cảng phía Bắc đã tăng lên mức 935 nhân dân tệ/tấn vào hôm thứ Ba (18/1).
Các nhà phân tích của Huatai Futures cho biết, mặc dù các mỏ than lớn vẫn vận hành ổn định, song một số mỏ quy mô nhỏ ở tỉnh khai thác lớn Thiểm Tây đã ngừng hoạt động để nghỉ Tết. Do đó, nguồn cung tại các cảng đang bị thắt chặt.
Các công ty tư nhân ở Trung Quốc, bao gồm cả các mỏ than, thường đóng cửa trước Tết Nguyên đán từ một tuần trở lên, khi hàng trăm triệu công nhân về quê ăn Tết.
Dữ liệu của CCTD cho thấy, tồn kho than tại các cảng ven biển giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10/2021, đạt mức 47,82 triệu tấn, mặc dù mức hiện tại vẫn cao hơn cùng kỳ năm ngoái là 44,89 triệu tấn.
Trong khi đó, một đợt rét đậm rét hại dự kiến sẽ ập đến miền Bắc Trung Quốc trong tuần lễ mừng Tết Nguyên đán, điều này có thể làm tăng tiêu thụ than tại các công ty điện lực, Reuters đưa tin.
Giá thép xây dựng trong nước hôm nay
Các thương hiệu thép lớn trong nước đồng loạt tăng giá thép xây dựng. Cụ thể, giá thép cuộn CB240 tăng 100 – 610 đồng/kg, dao động 16.540 - 17.050 đồng/kg; giá thép thanh D10 CB300 tăng 100 – 410 đồng/kg, dao động 16.410 - 17.000 đồng/kg.
Giá thép xây dựng ngày 19/1 vẫn duy trì ở mức cao sau khi các thương hiệu thép lớn trong nước đồng loạt điều chỉnh giá thép vào hôm qua, theo số liệu của Steel Online.
Song, so với ngày 31/12/2021, giá thép cuộn CB240 tăng 100 – 610 đồng/kg, dao động 16.540 - 17.050 đồng/kg; giá thép thanh D10 CB300 tăng 100 – 410 đồng/kg, khoảng 16.410 - 17.000 đồng/kg.
Đáng chú ý, thương hiệu thép Tung Ho có mức tăng cao nhất, dòng thép cuộn CB240 tăng 610 đồng/kg, lên mức 16.750 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 410 đồng/kg, hiện có giá 16.700 đồng/kg.
Mức tăng thấp nhất thuộc về thương hiệu thép Kyoei, cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 đều tăng 100 đồng/kg, lên mức 16.700 đồng/kg. Còn lại các thương hiệu khác cũng có mức tăng đáng kể.
Cụ thể, thương hiệu Hòa Phát tại miền Bắc và miền Nam, giá thép cuộn CB240 hiện ở mức 16.720 đồng/kg, tăng 310 đồng/kg và thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.610 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với ngày 31/12/2021.
Còn tại miền Trung, giá thép của Hòa Phát tăng mạnh hơn. Hiện, sản phẩm thép cuộn CB240 ở mức 16.770 đồng/kg, tăng 310 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.720 đồng/kg, tăng 360 đồng/kg.
Tương tự, thép Việt Mỹ tại miền Bắc điều chỉnh tăng 200 đồng/kg sản phẩm thép cuộn CB240, lên mức 16.610 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 250 đồng/kg, lên mức 16.510 đồng/kg.
Tại miền Trung, với sản phẩm thép cuộn CB240 tăng 350 đồng/kg, lên mức 16.560 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 300 đồng, có giá 16.410 đồng/kg.
Còn tại miền Nam, với dòng thép cuộn CB240 tăng thêm 450 đồng/kg, ở mức 16.560 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 250 đồng/kg, lên mức giá 16.460 đồng/kg.
Triển vọng thị trường thép Việt Nam năm 2022 sẽ tốt hơn
Các doanh nghiệp thép nhận định, triển vọng thị trường thép Việt Nam năm 2022 sẽ tốt hơn và hoạt động ổn định hơn năm 2021.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, sản xuất thép thô của Việt Nam trong cả năm 2021 đạt 23 triệu tấn, tăng 16% so với năm 2020. Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 33 triệu tấn, tăng 19% và bán hàng thép thành phẩm các loại đạt 29 triệu tấn, tăng 16%.
Đồng thời, xuất khẩu sản phẩm thép năm 2021 cũng có được những kết quả tích cực, đạt hơn 14 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm với hơn 12,7 tỷ USD, đóng góp lớn nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Sản phẩm thép của Việt Nam xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia khu vực và thế giới.
Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch VSA cho rằng, năm 2021 là năm thuận lợi của ngành thép trên toàn thế giới. Mặc dù có những khó khăn nhất định như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay Covid-19 làm thay đổi chuỗi cung ứng, nhưng đối với Việt Nam thì lại là cơ hội để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo bản cập nhật về triển vọng ngắn hạn cho năm 2021 và 2022 của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), nhu cầu thép sẽ tăng 4,5% trong năm 2021 và đạt 1.855,4 triệu tấn sau khi tăng trưởng 0,1% vào năm 2020. Năm 2022, nhu cầu thép sẽ tăng thêm 2,2% lên 1.896,4 triệu tấn.
Đồng quan điểm, ông Trần Tuấn Dương - Phó Chủ tịch VSA, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thép Hòa Phát cũng cho rằng, trong khi đại dịch COVD-19 kéo dài suốt 2 năm đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam song ngành thép Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng tích cực.
Thị trường trong nước bị chững lại nhưng các doanh nghiệp thép đã đẩy mạnh xuất khẩu và trở thành quốc gia xuất ròng thép, sản lượng sản xuất lớn nhất Đông Nam Á.
Hoạt động xuất khẩu là nhân tố đóng góp quan trọng cho sản lượng năm 2021. Lần đầu tiên xuất khẩu phôi thép và thép xây dựng ghi nhận 2,3 triệu tấn. Thị trường xuất khẩu chính là Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc …
Sản phẩm tôn mạ cũng có một năm xuất khẩu rực rỡ khi đạt 297.000 tấn, đóng góp 69% tổng lượng tôn Hòa Phát cung cấp cho thị trường.
Việc đẩy mạnh xuất khẩu giúp Hòa Phát đa dạng hóa thị trường tiêu thụ trong khi thị trường trong nước bị ảnh hưởng do đại dịch Covid 19, đồng thời góp phần thu ngoại tệ và cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam.