Giá thép xây dựng giảm
Giá thép thanh giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 21 nhân dân tệ xuống 3.581 nhân dân tệ/tấn vào lúc 8h50, ngày 21/1, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Giá thép trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng phiên thứ 4 liên tiếp trong bối cảnh triển vọng nhu cầu được cải thiện với hợp đồng thép cuộn cán nóng đạt mức cao kỉ lục, theo Reuters.
Hợp đồng thép thanh xây dựng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn Thượng Hải tăng 0,5% trong phiên thứ Hai (20/1).
Giá thép cuộn thép cán nóng rút lui sau khi chạm mức cao kỉ lục 3.655 nhân dân tệ/tấn trước đó, chốt phiên tăng 0,4%.
Giá quặng sắt giao sau tại Trung Quốc tăng khi mối lo ngại về nguồn cung và triển vọng nhu cầu giúp giá thép tăng mặc dù khối lượng giao dịch ít hơn trước kì nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần.
Hợp đồng quặng sắt được giao dịch nhiều nhất trên Sàn Đại Liên, giao tháng 5, tăng 0,5% lên 670 nhân dân tệ/tấn (tương đương 97,82 USD/tấn.)
Các vấn đề về nguồn cung cũng đẩy giá quặng giao ngay tăng cao hơn với giá quặng sắt hàm lượng 62% ổn định ở mức 96,70 USD/tấn vào thứ Sáu (17/1), ghi nhận mức lớn nhất kể từ ngày 17/9/2018, dữ liệu của SteelHome cho thấy.
Khối lượng quặng sắt nhập khẩu dự trữ tại các cảng Trung Quốc giảm 3 tuần liên tiếp, đạt 127,35 triệu tấn vào ngày 17/1, mức thấp nhất kể từ tuần cuối tháng 9/2019.
Thêm vào mối quan tâm về nguồn cung, Vale SA - công ty khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới - tạm dừng hoạt động của các nhà máy quặng tại mỏ Esperança với lí do cần phải kiểm tra an toàn.
Dữ liệu kinh tế vĩ mô tháng 12/2019 công bố vào tuần trước cho thấy điều kiện tốt hơn và phù hợp với kì vọng của thị trường, điều này nâng cao tâm lí nhà đầu tư cùng với việc kí kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một của giữa Mỹ - Trung Quốc, chuyên gia phân tích Helen Lau tại Argonaut Securities cho biết.
"Dự kiến điều kiện kinh tế của Trung Quốc năm 2020 sẽ ở trong tình trạng tốt hơn nhiều so với năm 2019. Trước sự phát triển này, nhu cầu về hàng hóa nói chung được cải thiện".
Giá than mỡ tăng 0,4% và giá than cốc Đại Liên tăng 0,7%.
Giá thép không gỉ giảm 0,3%.
Nhiều dự án xây dựng ở Trung Quốc bị tạm dừng hoạt động trong khi một số nhà máy thép đã đóng cửa sớm trước kì nghỉ Tết Nguyên đán.
Ngành thép năm 2020: Sức ép cạnh tranh gia tăng nhưng áp lực giảm giá bán không quá lớn
Sau một năm lạc quan với mức tăng trưởng sản lượng thành phẩm đạt 10% trong năm 2018, sản lượng tiêu thụ thép duy trì hiệu suất ổn định trong 4 tháng đầu năm 2019 với tổng mức tăng trưởng sản lượng đạt 11%.
Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ trong nước tăng 15%, do các hoạt động xây dựng từ các dự án của các năm trước và việc giá thép phục hồi khuyến khích các đại lý tích lũy hàng tồn kho.
Tuy nhiên, từ tháng 5 đến tháng 11, nhu cầu giảm đáng kể với tổng sản lượng tiêu thụ không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó sản lượng tiêu thụ trong nước tăng vừa phải, ở mức 3,5%.
Nhìn chung, sản lượng tiêu thụ thành phẩm trong 11 tháng năm 2019 tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước đó, đạt 15,4 triệu tấn, trong đó thép xây dựng đạt 9,7 triệu tấn (tăng 6,5%). Trong khi đó, sản lượng thép ống và tôn mạ không thay đổi đạt 5,6 triệu tấn.
Trong báo cáo cập nhật ngành thép mới đây, Công ty Chứng khoán SSI ước tính tăng trưởng sản lượng tiêu thụ của ngành tiếp tục ở mức thấp từ 5-7% trong năm 2020 do sự trì trệ ở thị trường bất động sản cùng với đầu tư công chậm.
Tuy nhiên, việc gia tăng giải ngân nguồn vốn FDI có thể là yếu tố hỗ trợ cho nhu cầu thép.
Trong năm 2020, cũng cần lưu ý đến một rủi ro xuất phát từ nhu cầu chậm lại của thị trường Trung Quốc.
Theo SSI, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu thép ở các công ty sản xuất lớn nhất thế giới và có tác động gián tiếp đến giá thép trong nước ở Việt Nam.