Giá thép xây dựng hôm nay 21/12/2020: Giá thép vụt tăng mạnh chạm ngưỡng 4.451 NDT/tấn

(VOH)- Giá thép ngày 21/12 tăng trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Giá thép của Ấn Độ đang ở mức cao nhất trong 12 năm qua do nhu cầu cao hơn trong bối cảnh sản xuất giảm và nhập khẩu hạn chế.

Giá thép thế giới tăng mạnh

Giá thép ngày 21/12 giao tháng 5/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 203 nhân dân tệ lên mốc 4.451 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h30 (giờ Việt Nam).

Ảnh minh họa: internet

Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)

Dữ liệu mới đây của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, quốc gia này đã sản xuất khoảng 23,27 triệu tấn thép cây trong tháng 11, nâng tổng sản lượng từ tháng 1 đến tháng 11 lên 242,67 triệu tấn, tăng 4,9% so với cùng kì năm ngoái.

Thép cây là kim loại được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. Lĩnh vực này chiếm hơn 35% tổng lượng tiêu thụ thép trong nước nói chung.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc tiêu thụ thép trong lĩnh vực bất động sản có khả năng sẽ chậm lại vào năm 2021 do chính phủ trung ương Trung Quốc thắt chặt nguồn tài chính, S&P Global Platts đưa tin.

Các nhà sản xuất thép của Ấn Độ đã tăng giá gấp ba lần trong nhiều tuần liên tiếp, điển hình là giá thép cuộn cán nóng chuẩn trên thị trường tại Mumbai đã tăng 43% lên 52.000 rupee/tấn từ mức 36.500 tấn vào tháng 7.

Hiện tại, giá thép của Ấn Độ đang ở mức cao nhất trong 12 năm qua do nhu cầu cao hơn trong bối cảnh sản xuất giảm và nhập khẩu hạn chế, theo Financial Express.

Trung Quốc mua thép Việt Nam tăng hơn 12 lần

 Dù xuất khẩu cả năm sụt giảm nhưng lượng hàng sang Trung Quốc tăng vọt.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 11, sản lượng bán hàng thép các loại đạt hơn 2,4 triệu tấn, tăng mạnh gần 37% so với tháng 10 và tăng 21% so với cùng kỳ 2019. Sản lượng thép bán ra trong tháng 11 cũng lập kỷ lục tính từ tháng 3.2019. Riêng xuất khẩu thép trong tháng 11 cũng đạt số lượng 478.375 tấn, tăng 21,52% so với tháng 10 và tăng 40% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung sau 11 tháng năm 2020, sản xuất thép các loại tại Việt Nam đạt hơn 23,33 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, lượng thép tiêu thụ giảm gần 1%, đạt hơn 21 triệu tấn và xuất khẩu giảm 2,8% so với cùng kỳ 2019, đạt hơn 4,11 triệu tấn.

Đáng chú ý, xuất khẩu mặt hàng sắt thép sang thị trường Trung Quốc tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ năm trước, trị giá 1,3 tỉ USD trong 10 tháng đầu năm 2020. Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu chính của thép Việt Nam tiếp tục là ASEAN, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ…

Dù tính chung cả năm hoạt động xuất khẩu sụt giảm nhưng đã tăng mạnh trở lại trong những tháng gần đây. Điều này cũng góp phần đưa kết quả kinh doanh của nhiều công ty thép về đích sớm cho cả năm nay. Chẳng hạn Tập đoàn Hòa Phát sau 9 tháng năm 2020 đã đạt doanh thu 65.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế lên tới 8.845 tỉ đồng, tăng lần lượt 40% và 56% so với cùng kỳ năm 2019; Công ty CP đầu tư thương mại SMC (SMC) ghi nhận doanh thu lũy kế 9 tháng đạt 11.265 tỉ đồng doanh thu, giảm 13% nhưng lãi sau thuế đạt 156 tỉ đồng lãi sau thuế, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước; Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen báo cáo niên độ tài chính 2019 - 2020 (kết thúc ngày 30.9.2020) đạt lãi sau thuế 1.150 tỉ đồng, tăng gần 220% so với niên độ trước...