Giá thép xây dựng hôm nay 21/2/2020: Sắt, thép tăng sau khi Trung Quốc hạ lãi suất

(VOH) - Giá thép xây dựng ngày 21/2  tăng mạnh do dự đoán Trung Quốc sẽ đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế, đẩy tăng nhu cầu nguyên vật liệu sản xuất và xây dựng.

 Lo ngại nguồn cung quặng sắt từ Australia và Brazil khan hiếm hơn càng đẩy giá tăng lên.

Giá thép xây dựng tăng mạnh

Giá thép thanh giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 32 nhân dân tệ lên 3.472 nhân dân tệ/tấn vào lúc 9h50, ngày 21/2, giờ Việt Nam.

Giá thép xây dựng hôm nay 21/2/2020

Ảnh minh họa: internet

Chốt phiên thứ Năm 20/2, hợp đồng thép giao sau tại Trung Quốc tăng nhờ kì vọng các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi virus corona sẽ giúp vực dậy nhu cầu đối với vật liệu sản xuất và xây dựng, theo Reuters.

Lo ngại nguồn cung nguyên liệu sản xuất thép từ Ausralia và Brazil thắt chặt cũng giúp giá quặng sắt kì hạn tiếp tục tăng.

Biện pháp mới nhất của chính phủ Trung Quốc là cắt giảm lãi suất cho vay để giảm chi phí tài chính cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng khi phải ngừng hoạt động sản xuất.

Hợp đồng thép thanh xây dựng giao tháng 5 kết thúc phiên tăng 2,1% lên 3.460 nhân dân tệ/tấn (tương đương 493,38 USD/tấn).

Giá thép cuộn cán nóng tăng 1,5% lên 3.455 nhân dân tệ/tấn.

Một số trung tâm sản xuất của Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế di chuyển trong khi chính quyền địa phương khuyến khích các nhà máy quay trở lại sản xuất sau nhiều tuần ngừng hoạt động.

Giá quặng sắt tăng 4,2% lên 667 nhân dân tệ/tấn, kéo dài đà tăng trong phiên thứ 8 liên tiếp và xóa bỏ hoàn toàn khoản lỗ từ đầu năm nay.

Giá quặng sắt trên Sàn giao dịch Singapore tăng 2,6% lên 89,3 USD/tấn.

Giá quặng sắt hàm lượng 62% ở mức 90,5 USD/tấn vào thứ Tư (19/2), thấp hơn một chút so với mức đỉnh 91,5 USD/tấn vào thứ Ba (18/2), theo dữ liệu của SteelHome.

Giá than mỡ tăng 0,4% và giá than cốc tăng 1,5%.

Giá thép không gỉ tăng 0,1%.

Khó khăn bủa vây, xuất khẩu sắt thép giảm mạnh

Thị trường thế giới trầm lắng, cùng kỳ nghỉ lễ kéo dài đã khiến hoạt động sản xuất và tiêu thụ của các doanh nghiệp thép trong tháng đầu năm 2020 đều sụt giảm.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2020, sắt thép các loại xuất khẩu giảm mạnh cả về lượng và trị giá. Cụ thể, lượng sắt thép xuất khẩu đạt hơn 483.000 tấn, trị giá hơn 266 triệu USD, giảm 26,7% về lượng và giảm 26% về trị giá so với tháng trước, giảm tương ứng 35,7% và 44% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường xuất khẩu, Campuchia vẫn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại sắt thép Việt với hơn 105.000 tấn, trị giá 57,68 triệu USD, giảm 34,4% về lượng và 39,4% về trị giá so với tháng đầu năm 2019.

Một thị trường tiêu thụ lớn của sắt thép Việt cũng giảm mạnh nữa là Malaysia với 54.285 tấn, trị giá 29,69 triệu USD, giảm 21% về lượng và trị giá so với tháng trước và giảm lần lượt 3,5% và 15,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, Trung Quốc - thị trường cung cấp sắt thép lớn nhất cho Việt Nam - trong tháng 1 đã có lượng tiêu thụ các loại sắt thép Việt tăng đột biến với 113.757 tấn, trị giá hơn 47 triệu USD. Con số này giảm 16% cả về lượng và trị giá so với tháng cuối năm 2019 nhưng so với tháng 1/2019 thì tăng 113 lần về lượng và tăng 48,7 lần về trị giá. (Sản lượng xuất khẩu sắt thép các loại sang Trung Quốc trong tháng 1/2019 đạt 1.005 tấn, trị giá 966.759 USD).

Ngoài ra, một số thị trường xuất khẩu khác của sắt thép Việt ghi nhận mức tăng là Singapore với hơn 29.600 tấn, trị giá gần 13 triệu USD; Bangladesh 439 tấn, tương đương 0,26 triệu USD. Ngược lại, lượng sắt thép xuất khẩu sang Bỉ, Philippines, Mỹ,… giảm mạnh từ 70 – 90% so với cùng kỳ năm trước.

Về nhập khẩu mặt hàng này trong tháng đầu năm đạt hơn 940.000 tấn, trị giá hơn 570 triệu USD, giảm 21% so với tháng trước. So với cùng kỳ, lượng sắt thép nhập khẩu trong tháng giảm 18% về lượng và gần 30% về trị giá.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nguyên nhân của việc sụt giảm cả về sản xuất và tiêu thụ của thép Việt trong tháng đầu năm 2020 chủ yếu là do hai kỳ nghỉ tết với thời gian dài. Điều này đã ảnh hưởng chung tới kết quả tiêu thụ của các doanh nghiệp thép xây dựng.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường toàn cầu trầm lắng, hoạt động trên thị trường thép Trung Quốc chậm lại trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, sự xuất hiện của dịch cúm virus corona (Covid-19) bùng phát tại Vũ Hán khiến thời gian nghỉ lễ kéo dài hơn dự kiến. Điều này làm dấy lên sự lo lắng về tình hình kinh tế Trung Quốc nói chung và các hoạt động xây dựng nói riêng.

Dự báo về tăng trưởng sản xuất thép trong năm 2020, VSA cho biết sẽ có sự tăng trưởng nhẹ khoảng 6 – 8%. Năm 2020, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu một số nguyên liệu như quặng sắt (gần 17 triệu tấn), thép phế (khoảng 5 triệu tấn), thép cuộn cán nóng ước khoảng 5 triệu tấn. Mức tăng trưởng này được nhận định là sẽ thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng của ngành trong năm 2019 vừa qua.

Thị trường thép Việt năm 2020 được dự báo sẽ còn nhiều biến động về giá và khả năng tiêu thụ. Tăng trưởng sản lượng tiêu thụ thép năm 2020 ước tính duy trì ở mức thấp 5 - 7% do thị trường bất động sản chững lại... Ngành thép trong nước tiếp tục đối mặt nhiều thách thức do sức ép cạnh tranh từ việc gia tăng nguồn cung trong nước, thép nhập khẩu từ nước ngoài, việc siết chặt tín dụng cho vay đối với thị trường bất động sản trong nước.

Giá thép xây dựng hôm nay 20/2/2020: Giá thép quay đầu giảm, giá quặng sắt kéo dài đà tăng - Giá thép xây dựng ngày 20/2 giảm, giá quặng sắt tại Trung Quốc tiếp tục tăng 7 phiên liên tiếp do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Giá gas hôm nay 21/2/2020: Giảm hơn 1% dù tồn kho gas giảm nhiều hơn dự kiến- Giá gas ngày 21/2 giảm dù tồn kho khí gas Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến. Hiện tổng lượng tồn kho khí gas đạt 2.343 Bcf trong tuần, giảm 151 Bcf trong khi tồn kho kì vọng giảm 147 Bcf.