Chờ...

Giá thép xây dựng hôm nay 21/9: Tiếp tục giảm mạnh

(VOH) Giá thép xây dựng ngày 21/9 giảm mạnh trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Giá quặng sắt cũng giảm do Trung Quốc đang chủ trương cắt giảm sản lượng thép trong nửa cuối năm 2021.

Giá thép thế giới giảm

Giá thép ngày 21/9, giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 126 nhân dân tệ xuống mức 5.478 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h00 (giờ Việt Nam).

Giá thép xây dựng hôm nay 21/9/2021
Ảnh minh họa: internet

Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên Sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)

Giá thép xây dựng hôm nay 21/9: Tiếp tục giảm mạnh 2

Nếu việc giá quặng sắt tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 5 là một đợt phục hồi quá mức, thì xu hướng lao dốc của mặt hàng này vào tuần trước là một sự thoái lui đầy hỗn loạn, không có động thái nào được chứng minh đầy đủ bởi các nguyên tắc cơ bản của cung và cầu.

Theo đánh giá của Cơ quan Báo cáo giá hàng hóa Argus, giá quặng sắt giao ngay MTIOQIN62=ARG để giao cho miền Bắc Trung Quốc đã giảm 22,2% so với tuần trước đó xuống còn 100,45 USD/tấn vào ngày 17/9.

So với mức cao kỷ lục 235,55 USD/tấn đạt được vào ngày 12/5, giá nguyên liệu sản xuất thép này hiện đã giảm đến 57,4%.

Yếu tố chính đằng sau sự sụt giảm giá là do Trung Quốc, quốc gia mua khoảng 2/3 lượng quặng sắt trên biển toàn cầu, đang chủ trương cắt giảm sản lượng thép trong nửa cuối năm 2021, để đảm bảo rằng sản lượng cả năm không vượt quá mức kỷ lục 1,065 tỷ tấn vào năm ngoái.

Các nhà chức trách của Trung Quốc cho biết, quốc gia này đang có động thái hạn chế sản lượng thép để giảm thiểu ô nhiễm và sử dụng năng lượng, đặc biệt là do giá nhiên liệu sản xuất điện tăng cao, chẳng hạn như nhiệt điện than và khí đốt tự nhiên.

Trong khi đó, nguồn cung quặng sắt đã được cải thiện trong những tháng gần đây sau một thời gian thời tiết gián đoạn ở nước xuất khẩu hàng đầu Australia và dịch COVID-19 bùng phát ở nhà vận chuyển đứng thứ hai là Brazil.

Tuy nhiên, sự chuyển động của dòng quặng sắt trên khắp thế giới không có gì ấn tượng bằng sự biến động của giá cả.

Theo số liệu của hải quan, trong 8 tháng đầu năm, nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc là 746,45 triệu tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2020. Nhập khẩu trong tháng 8 là 97,49 triệu tấn, mức cao nhất kể từ tháng 4 và là dấu hiệu cho thấy nguồn cung đang phục hồi.

Tháng 9 có khả năng sẽ chứng kiến lượng nhập khẩu thậm chí còn mạnh hơn. Trong đó, dữ liệu theo dõi tàu của Refinitiv ước tính có tới 111 triệu tấn sẽ cập cảng trong tháng này và Nhà tư vấn hàng hóa Kpler thậm chí còn lạc quan hơn với ước tính 116,6 triệu tấn.

Xuất khẩu sắt thép của Việt Nam tăng kỷ lục

 Theo báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), từ đầu năm đến hết tháng 8, nước ta xuất khẩu 8,54 triệu tấn sắt thép các loại với trị giá đạt gần 7,1 tỷ USD, tăng 43,4% về lượng và 127% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Riêng trong tháng 8, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 1,53 triệu tấn với trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 33,8% về lượng và tăng 35,2% về trị giá so với tháng trước.

Sản xuất thép các loại trong 8 tháng đạt hơn 20,6 triệu tấn, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2020. Một số sản phẩm có lượng tiêu thụ nhiều như thép cuộn cán nóng đạt 4,85 triệu tấn, tăng hơn 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước; tiêu thụ tôn mạ kim loại và sơn phủ màu đạt hơn 3,4 triệu tấn, tăng 36,6% mức cùng kỳ 2020...

Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, trị giá xuất khẩu của mặt hàng sắt thép cao gấp 2,5 lần. Đây là tháng có trị giá xuất khẩu sắt thép các loại cao nhất từ trước đến nay và là tháng thứ hai liên tiếp vượt 1 tỷ USD.

Được biết, sắt thép các loại nước ta xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường ASEAN đạt 2,7 triệu tấn xấp xỉ mức xuất khẩu của cùng kỳ năm trước; xuất sang thị trường Trung Quốc đạt 1,8 triệu tấn, giảm 13,2%.

Đáng chú ý, xuất khẩu nhóm hàng này tăng vượt trội sang hai thị trường EU và Mỹ. Cụ thể, xuất khẩu sang EU đạt 1,43 triệu tấn, tăng 7,5 lần và sang Mỹ đạt 540.000 tấn, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.