Giá thép xây dựng hôm nay giảm
Giá thép thanh giao tháng 1/2020 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 6 nhân dân tệ xuống 3.637 nhân dân tệ/tấn vào lúc 9h30, ngày 22/11, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Hợp đồng thép thanh xây dựng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch Thượng Hải, giao tháng 1/2020, giảm 1,1% xuống 3.619 nhân dân tệ/tấn vào thứ Năm 21/11, theo Reuters.
Giá thép cuộn cán nóng cũng giảm 1,1% xuống còn 3.496 nhân dân tệ/tấn.
Hợp đồng quặng sắt giao sau ở Trung Quốc phục hồi sau khi thua lỗ vào đầu phiên, đóng cửa giao dịch tăng nhẹ trong bối cảnh không chắc chắn về việc liệu Bắc Kinh và Washington có thể đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu trong năm nay hay không.
Reuters trích dẫn lời các chuyên gia thương mại của Nhà Trắng cho rằng việc hoàn tất thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu tiên có thể kéo dài sang năm sau.
Hợp đồng quặng sắt giao sau hoạt động mạnh nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, giảm nhẹ 0,1% trong giao dịch buổi sáng trước khi quay đầu tăng 0,7% lên 641,5 nhân dân tệ/tấn (tương đương 91,16 USD/tấn).
Giá quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% tăng phiên thứ sáu lên 86,5 USD/tấn vào thứ Tư (20/11).
Giá các thành phần luyện thép khác theo chiều hướng đi xuống với giá than mỡ giảm 0,7% xuống còn 1.802 nhân dân tệ/tấn và giá than cốc giảm 0,3% xuống 1.257,5 nhân dân tệ/tấn.
Hợp đồng thép không gỉ Thượng Hải giảm 0,3% xuống 14.375 nhân dân tệ/tấn.
Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ bên trong và bên ngoài nhưng chính phủ luôn kiên nhẫn và quyết tâm để đạt được sự trẻ hóa đất nước, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kì Sơn nói.
Trung Quốc cần áp dụng tốt hơn các công cụ chính sách khác nhau để thúc đẩy nền kinh tế và sử dụng mọi cách có thể để giảm lãi suất thực, thực thi chính sách tiền tệ cần thiết để thúc đẩy hoạt động kinh tế, Thủ tướng Lí Khắc Cường cho biết.
Canada khởi xướng điều tra thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam
Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam, mới đây, Canada đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) nhập khẩu từ VIệt Nam và một số nước khác.
Sản phẩm bị điều tra thuộc các mã HS 7210.30.00, 7210.49.00, 7210.61.00, 7210.69.00, 7212.20.00, 7212.30.00, 7212.50.00, 7225.91.00, 7225.92.00, 7226.99.00. Giai đoạn điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp là từ 1/7/2018 – 30/6/2019. Nguyên đơn là Công ty ArcelorMittal Dofasco G.P. (AMD).
Điều tra chống trợ cấp gồm 10 điều liên quan đến miễn thuế nhập khẩu, ưu đãi thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, miễn, giảm tiền thuê đất, cho vay ưu đãi, bảo lãnh vay, bao thanh toán xuất khẩu, ưu đãi, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, khấu hao nhanh tài sản cố định; hỗ trợ đầu tư, xúc tiến xuất khẩu và các hình thức hỗ trợ khác.
Canada cũng điều tra vấn đề tình hình thị trường đối với ngành thép cuộn của Việt Nam. Điều này căn cứ cáo buộc của nguyên đơn về việc giá bán nội địa ở thị trường Việt Nam bị can thiệp bởi Chính phủ.
10 tháng, Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp sắt thép lớn nhất vào Việt Nam
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng qua, tuy giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp sắt thép lớn nhất vào Việt Nam với 4,64 triệu tấn.
Cụ thể, tính riêng trong tháng 10, sắt thép các loại nhập khẩu đạt 1,44 triệu tấn, trị giá 892 triệu USD, tăng 23,3% về lượng và 18% về trị giá. Lũy kế 10 tháng, lượng sắt thép nhập khẩu đạt 12,24 triệu tấn, trị giá 8,1 tỷ USD, tăng 7% về lượng nhưng giảm 3,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam với 4,64 triệu tấn, trị giá đạt 2,95 tỷ USD, giảm 12,7% về lượng và giảm 22,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Nhật Bản với 1,72 triệu tấn, trị giá 1,14 tỷ USD; Ấn Độ với 1,54 triệu tấn, trị giá đạt 798 triệu USD, tăng mạnh 189,8% về lượng và tăng 133,5% về trị giá…
Về xuất khẩu, tính riêng tháng 10, sắt thép xuất khẩu đạt 536 nghìn tấn, trị giá 338 triệu USD tăng 8,7% về lượng và tăng 6,9% về trị giá. Qua đó đưa lượng xuất khẩu mặt hàng này trong 10 tháng từ đầu năm 2019 đạt 5,39 triệu tấn, trị giá 3,49 tỷ USD, tăng 3,1% về lượng nhưng giảm 8,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Tính đến hết tháng 10/2019 sắt thép các loại chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Campuchia là 1,42 triệu tấn, tăng 29,1%; Indonesia 697 nghìn tấn, tăng 32,3%; Malaysia 627 nghìn tấn, tăng 19,2%; Hoa Kỳ: 354 nghìn tấn, giảm 56,6%... so với cùng kỳ năm trước.