Giá thép thế giới tăng mạnh
Giá thép ngày 22/2 giao tháng 5/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 87 nhân dân tệ lên mốc 4.619 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h30 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Tại Ấn Độ, giá thép trong nước có thể sẽ tiếp tục đi lên sau khi giá quặng sắt trên thị trường toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong gần 10 năm qua, The Hindu Business Line đưa tin.
Theo Fastmarkets MB, quặng sắt 62% Fe vận chuyển vào miền Bắc Trung Quốc vào ngày 18/2 được giao dịch ở mức 175,05 USD/tấn (đã bao gồm các khoản cước phí), cao hơn gần 5% so với giao dịch ngày 17/2.
Nguyên nhân khiến giá quặng tăng đột biến là do Trung Quốc quay trở lại thị trường sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch kéo dài một tuần.
Xét chung từ đầu năm 2021, giá quặng sắt 63,5% Fe đã tăng 7%, hiện đạt ngưỡng 169,50 USD và quặng sắt 62% Fe đã tăng khoảng 5,61%.
Trong bối cảnh giá quặng sắt đi lên, giá thép cũng đã điều chỉnh tăng hơn 4% tại Trung Quốc, quốc gia sản xuất hàng hóa hàng đầu thế giới.
Theo trang web Trading Economics, giá thép cuộn cán nóng (HRC) kỳ hạn ở Trung Quốc đã đạt mức cao nhất trong hai tháng qua là 4.402 nhân dân tệ/tấn do kỳ vọng nhu cầu mới sau Tết Nguyên đán.
Năm ngoái, giá quặng sắt đã tăng 20% do sản lượng thép kỷ lục của Trung Quốc và nguồn cung thiếu hụt do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Australia, nguồn cung cấp quặng sắt chính của Trung Quốc, dự kiến nhu cầu từ Trung Quốc vẫn mạnh mẽ nhưng các lô hàng có thể giảm nhẹ trong năm tiếp thị hiện tại (từ tháng 8/2020 đến tháng 7/2021).
Đơn vị nghiên cứu hàng hóa ABARE của Australia cho biết, giá quặng sắt có thể sẽ giảm xuống còn 80 USD/tấn vào cuối năm 2021 và ghi nhận mốc 75 USD vào năm 2022.
Giá thép có thể đảo chiều trong năm 2021
Đánh giá về triển vọng ngành thép năm 2021, SSI Research cho rằng, tăng trưởng nhu cầu trong nước dự kiến sẽ phục hồi trở lại mức bình thường là 8% so với mức thấp trong năm 2020. Các động lực thúc đẩy nhu cầu thép bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng và dòng vốn FDI, điều này cũng giúp thúc đẩy hoạt động xây dựng dân dụng dọc theo các công trình cơ sở hạ tầng và dự án FDI.
Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng theo tháng (nghìn tấn) - Nguồn: Hiệp hội thép Việt Nam, SSI Research.
Nhu cầu từ xuất khẩu vẫn khá tích cực, nhưng dự kiến cạnh tranh gay gắt hơn. Bởi theo Hiệp hội thép Thế giới, nhu cầu thế giới dự kiến sẽ tăng 4,1% trong năm 2021 sau khi giảm 2,4% vào năm 2020 - được thúc đẩy bởi sự phục hồi ở các thị trường phát triển. Nhu cầu của thị trường mới nổi (trừ Trung Quốc) dự kiến cũng sẽ tăng 9,4% trong năm 2021.
Mặt khác, sau khi ước tính tăng 8% trong năm 2020 - được thúc đẩy bởi đầu tư cơ sở hạ tầng - nhu cầu ở Trung Quốc dự kiến sẽ đi ngang trong năm 2021. Do đó, ước tính xuất khẩu thép của Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng một con số trong năm tới. Tuy nhiên, nguồn cung thế giới ổn định cũng có thể dẫn đến áp lực cạnh tranh gay gắt hơn đối với thị trường xuất khẩu.
Theo SSI Research, giá tăng có xu hướng tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép cải thiện trong ngắn hạn, nhưng có khả năng đảo chiều. Cụ thể giá thép sẽ vẫn ổn định trong những tháng tới do nhu cầu thế giới phục hồi và gián đoạn nguồn cung, nhưng có thể đạt đỉnh vào một thời điểm nào đó trong năm 2021 khi nguồn cung dần ổn định (sản lượng thép của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng khoảng 2% trong năm 2021, sau khi tăng khoảng 5% trong năm 2020).
Bảng giá thép ngày 22/2/2021: Miền Bắc, miền Trung, miền Nam