Giá thép thế giới tăng
Giá thép ngày 22/3, giao tháng 5/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 49 nhân dân tệ lên mức 4.818 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 10h00 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Trung Quốc đã sản xuất 1,065 tỷ tấn thép thô, chiếm đến 57% tổng sản lượng thép của thế giới trong năm 2020, Reuters đưa tin.
Một công ty tư vấn chính phủ của Trung Quốc cho biết, sản lượng thép thô của quốc gia này dự kiến sẽ đạt đỉnh với khoảng 1,16 tỷ tấn vào năm 2025.
Đây cũng là thời điểm lượng khí thải carbon trong lĩnh vực này dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục.
Ngành thép chiếm 15% tổng lượng phát thải khí nhà kính của Trung Quốc, trở thành tâm điểm trong các ngành công nghiệp sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết giảm lượng khí thải carbon trong vòng 10 năm tới.
Đến năm 2030, lượng khí thải carbon trong lĩnh vực thép được dự báo sẽ giảm 30% so với mức đỉnh. Theo đó, ngành thép của Trung Quốc đã đặt mục tiêu sẽ cắt giảm khoảng 420 triệu tấn khí thải.
Hai nhà sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc là HBIS Group và China Baowu Steel Group đã đặt ra mục tiêu riêng để đạt tới đỉnh phát thải carbon lần lượt vào năm 2022 và 2023.
Tại Việt Nam, ngành thép cũng phải đương đầu với nhiều khó khăn do dịch Covid-19, tương tự như tình hình chung của ngành thép toàn cầu. Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2020, thị trường thép bắt đầu hồi phục.
Về tình hình sản xuất, tiêu thụ thép xây dựng, trong tháng 2, sản lượng sản xuất thép xây dựng và tiêu thụ sản phẩm đều giảm so với tháng 1/2021 và cùng kỳ năm 2020 nhưng nếu tính chung cả 2 tháng đầu năm 2021 thì sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng vẫn giữ được đà tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Ngành thép sẽ được hưởng lợi lớn khi các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai như cao tốc Bắc-Nam, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành. Cùng với đó, thị trường nhà ở được dự báo có thể nóng trở lại trong 2021. Đây cũng là yếu tố giúp ngành thép tăng trưởng.
Ngoài ra, trước các cơ hội từ hội nhập, đặc biệt là việc thực thi các hiệp định thương mại, việc gỡ bỏ một loạt thuế quan sẽ giúp các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia trong khối có ký các FTA cũng sẽ giúp Việt Nam được hưởng lợi về giá.
Thị trường thép năm 2021 được dự báo hồi phục theo hình chữ V
Thị trường thép thế giới dự báo sẽ hồi phục mạnh mẽ theo hình chữ V trong năm 2021, sau khi suy giảm mạnh ở năm 2020 do đại dịch Covid-19. Ngành thép Việt Nam cũng dự báo được hưởng lợi lớn nhờ kinh tế hồi phục, đặc biệt khi các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai.
Sự hồi phục về nhu cầu thép thế giới ở nửa cuối năm 2020 đã đẩy giá tất cả các loại thép tăng lên, và hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Trong đó, đáng chú ý là giá thép cuộn đã đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử.
"Nền kinh tế toàn cầu năm 2020 đã vượt xa kỳ vọng khi chỉ giảm 3,5%, nhờ tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2020 mạnh mẽ hơn dự kiến. Những nền kinh tế phát triển bị ảnh hưởng nặng nề nhất nên giảm 4,9%, trong khi các nền kinh tế mới nổi hoạt động tốt hơn nên chỉ giảm 2,4%", ông Gordienko cho biết.
Các nền kinh tế trên toàn cầu dự báo sẽ hồi phục theo hình chữ V trong năm nay, nhưng mức độ mạnh mẽ còn tùy thuộc vào khả năng tiếp cận vắc xin và các chính sách kích thích kinh tế của chính phủ. Đó sẽ là cơ sở để nhu cầu thép thế giới năm nay cũng sẽ hồi phục theo hình chữ V.
Trung Quốc đã tăng thị phần của mình trong sản lượng thép dài thế giới lên 61,2%. Trung Quốc nói riêng và Châu Á nói chung vẫn là thị trường tiêu thụ thép dài chủ chốt, và trong tương lai gần xu hướng này sẽ chưa thay đổi.
Tính chung trên toàn thế giới, sản lượng thép năm 2020 chỉ giảm 1%, nhưng nếu loại trừ Trung Quốc thì sản lượng thép thế giới năm qua giảm 8%.