Giá thép xây dựng thế giới tăng
Giá thép thanh giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 36 nhân dân tệ lên 3.993 nhân dân tệ/tấn vào lúc 10h30, ngày 22/5, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Hợp đồng thép giao sau của Trung Quốc tăng mạnh vào thứ Ba 21/5 bất chấp những lo ngại về căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vì các nhà đầu tư mong đợi nhu cầu thép mạnh hơn từ thị trường bất động sản.
Mặc dù cuộc chiến thương mại tốn kém đã đè nặng lên thị trường tài chính trên khắp các quốc gia, thép giao sau của Trung Quốc vẫn đạt được mức lợi nhuận nhất định.
Nhu cầu thép từ lĩnh vực sản xuất và xây dựng vẫn ổn định với dữ liệu xây dựng mới nhất phản ánh việc cải thiện các hoạt động xây dựng, theo ông Hui Heng Tan, chuyên phân tích nghiên cứu từ Marex Spectron.
Giá nhà trung bình mới ở 70 thành phố lớn của Trung Quốc tăng 0,6% trong tháng 4 trong khi đầu tư bất động sản tăng 12% trong tháng 4 so với năm trước đó, dữ liệu chính thức cho thấy.
Khối lượng thép tồn kho tại các cảng giao dịch và nhà máy không có tình trạng ứ đọng, chồng chất phản ánh nhu cầu vẫn còn vững chắc.
Cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ leo thang sau khi Bộ Thương mại Mỹ vào tuần trước đã thêm công ty viễn thông khổng lồ Trung Quốc - Huawei và 68 chi nhánh vào danh sách đen xuất khẩu khiến công ty này gần như không thể mua hàng hóa sản xuất tại Mỹ.
Giá thép thanh tăng 1,7% lên 3,838 nhân dân tệ/tấn (tương đương 556,17 USD/tấn) tính đến 2h08 (giờ địa phương). Giá thép cuộn cán nóng giao sau tăng 0,8% lên 3.680 nhân dân tệ/tấn.
Giá quặng sắt giao sau giảm 0,4% vào thứ Ba (22/5) xuống còn 704,5 nhân dân tệ/tấn sau khi đạt mức cao kỉ lục do một số nguồn tin cho rằng công ty Vale SA, Brazil khởi động lại một số hoạt động tại mỏ Brucutu.
Thứ Hai 21/5, Mysteel, công ty tư vấn hàng hóa của Trung Quốc báo cáo Vale sẽ tiếp tục sản xuất 1/3 sản lượng, tương đương 10 triệu tấn tại các mỏ quặng sắt lớn nhất ở bang Minas Gerais.
Vale đã không đưa ra bất kì bình luận liên quan đến báo cáo này.
Thứ Ba 22/5 công ty đã đình chỉ việc vận chuyển hàng hóa trên tuyến Belo Horizonte giữa Sabara và Barao de Cocais, một tuyến hoạt động ở vùng lân cận mỏ Congo Soco nơi một con đập có nguy cơ vỡ.
Giá than mỡ ít biến động ở mức 1.389 nhân dân tệ/tấn trong khi hợp đồng than cốc tăng 2,8% lên 2.219 nhân dân tệ/tấn.
Xuất khẩu sắt thép tăng tháng thứ 2 liên tiếp
Theo tính toán từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắt thép tăng tháng thứ 2 liên tiếp, tháng 3/2019 tăng 20,9% về lượng và tăng 25,9% về kim ngạch, tháng 4/2019 tăng tiếp trên 2% về lượng và kim ngạch, đạt 569.387 tấn, tương đương 373,87 triệu USD.
Tính chung trong cả 4 tháng đầu năm 2019 cả nước xuất khẩu 2,33 triệu tấn sắt thép, thu về 1,5 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 6,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Giá xuất khẩu sắt thép trong tháng 4/2019 đạt 656,6 USD/tấn, giảm 0,6% so với tháng 3/2019 và giảm 14,5% so với tháng 4/2018. Tính giá trung bình cả 4 tháng đầu năm 2019 đạt 644,8 USD/tấn, giảm 12,6% so với cùng kỳ.
Sắt thép xuất khẩu sang Campuchia - thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại sắt thép của Việt Nam tăng mạnh 55,7% về lượng và tăng 45,8% về kim ngạch so với cùng kỳ, đạt 582.578 tấn, tương đương 347,38 triệu USD, chiếm 25% trong tổng lượng sắt thép xuất khẩu của cả nước và chiếm 23% trong tổng kim ngạch. Tuy nhiên, giá xuất khẩu sang thị trường này giảm 6,4%, đạt 596,3 USD/tấn.
Xuất khẩu sang Indonesia – thị trường lớn thứ 2 đạt 281.655 tấn, tương đương 188,1 triệu USD, chiếm trên 12% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, tăng 6,5% về lượng nhưng giảm 9,6% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Tiếp sau đó là thị trường Mỹ đạt 188.362 tấn, tương đương 150,99 triệu USD, giá 801,6 USD/tấn, giảm các mức tương ứng 35%, 38% và 4,6% so với cùng kỳ. Sắt thép xuất sang Mỹ chiếm 8,1% trong tổng lượng và chiếm 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép của cả nước.
Xuất khẩu sang thị trường Malaysia đạt 243.573 tấn, tương đương 148,35 triệu USD, chiếm 10% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, tăng 2,1% về lượng nhưng giảm 6,1% về kim ngạch so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu giảm 8%, đạt 609 USD/tấn.
Nhìn chung, trong 4 tháng đầu năm năm nay xuất khẩu sắt thép sang thị trường phần lớn các thị trường bị sụt giảm cả về lượng và kim ngạch so với 4 tháng đầu năm trước; trong đó giảm mạnh ở một số thị trường như: Đức giảm 94,7% về lượng và giảm 96,9% về kim ngạch, đạt 52 tấn, tương đương 0,07 triệu USD; Anh giảm 44,8% về lượng và giảm 49,6% về kim ngạch, đạt 15.352 tấn, tương đương 10,46 triệu USD; Bỉ giảm 41,8% về lượng và giảm 49% về kim ngạch, đạt 71.757 tấn, tương đương 47,34 triệu USD.