Giá thép thế giới tiếp đà giảm
Giá thép ngày 22/7, giao tháng 10/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 72 nhân dân tệ xuống mức 5.515 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 10h30 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên Sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Quặng sắt tại Trung Quốc giảm gần 4% do nhu cầu nguội lạnh khi các nhà máy kiểm soát sản lượng thép thô, trong khi nguồn cung các thành phần sản xuất thép tăng.
Một số nhà sản xuất thép tại tỉnh Giang Tô, Phúc Kiến và Vân Nam Trung Quốc được chính phủ yêu cầu cắt giảm sản lượng do quốc gia này có mục tiêu giữ sản lượng hàng năm không cao hơn mức năm 2020.
Trong khi đó, lượng quặng sắt tới Trung Quốc phục hồi trong tuần trước. Tồn kho quặng sắt tại cảng tăng tuần thứ 3 và ở mức 127,34 triệu tấn tính tới ngày 18/7, theo công ty tư vấn SteelHome.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 tại sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm 3,9% xuống 1.174 CNY (181,33 USD)/tấn khi đóng cửa.
Quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe ở Trung Quốc giảm 1 USD xuống 221,5 USD/tấn trong ngày 20/7. Các thành phần khác sản xuất thép tăng.
Theo thông tin từ MEPS, giá sản phẩm phẳng của châu Âu đã bị đình trệ vào đầu tháng 7 này. Giá trị giao dịch thép cuộn trung bình ở khu vực này chỉ đăng ký mức tăng euro một chữ số.
Trong bối cảnh đó, việc gia hạn các biện pháp tự vệ của Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã làm giảm sức hút của các đề nghị nhập khẩu.
Hoạt động mua hàng đã chậm lại khi kỳ nghỉ hè đến gần. Các nhà phân phối và trung tâm dịch vụ đang xem xét giữ lại lượng hàng dự trữ hợp lý và có thể trì hoãn các yêu cầu mua hàng.
Việc mở các kỳ hạn hạn ngạch mới vào ngày 1/7 đã dẫn đến dòng chảy vật liệu được thông quan tại các cảng châu Âu, khiến nhập khẩu thép cuộn cán nóng của Ấn Độ vào EU đã xấp xỉ gấp đôi giới hạn hạn ngạch.
Trong khi đó, tình trạng thiếu sản phẩm phẳng ở châu Âu vẫn tồn tại. Sản lượng bị gián đoạn tại một số nhà máy lớn ở châu Âu sau khi các nhà máy này nâng cấp cơ sở hạ tầng hoặc có nguồn tài chính không chắc chắn.
Hiệp hội Thép: Nếu điều chỉnh thuế, một số nhà sản xuất thép trong nước có thể phá sản
Chính sách thuế xuất nhập khẩu nói chung và thuế xuất khẩu thép là những chính sách dài hạn góp phần thúc đẩy ngành sản xuất trong nước trong đó có ngành thép.
Quan điểm của Hiệp hội Thép (VSA) là Chính phủ cần có chính sách nhất quán để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa có văn bản trả lời Bộ Tài chính góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020. Theo đó, VSA và các nhà sản xuất thép Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính không điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phôi thép (mã HS 7206, 7207) và không giảm thuế nhập khẩu MFN đối với các mặt hàng thép thành phẩm (mã HSC 7213, 7214, 7215, 7216 và 7210).
Theo Hiệp hội Thép (VSA), phương án đề xuất điều chỉnh thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng sắt thép của Bộ Tài chính, VSA nhận thấy chưa phù hợp với thực trạng ngành sản xuất thép trong nước hiện nay.
Lý do là kể từ đợt dịch bắt đầu bùng phát cuối tháng 4 đến thời điểm hiện tại, nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15,16 của Chính phủ. Vì vậy, công tác xây dựng cơ bản từ công nghiệp đến dân dụng đều ngưng trệ, tình hình tiêu thụ thép trong nước đã giảm mạnh. Cụ thể, bán hàng thép thành phẩm trong nước tháng 6 đã giảm 20% so với tháng 5 và chỉ tăng 1% so với cùng kỳ 2020, nếu loại trừ tăng trưởng của thép cuộn cán nóng thì bán hàng nội địa giảm lần lượt 28% và 22%.
Theo VSA, với các FTA Việt Nam đã, đang và sẽ ký với các quốc gia và khu vực đã là một thách thức với ngành thép Việt Nam, đặc biệt với các khối như CPTTP hay RCEP là những khu vực có các cường quốc sản xuất thép như Trung Quốc, Nhật Bản..do đó việc điều chỉnh thuế như dự thảo sẽ làm gia tăng khó khăn cho các nhà sản xuất thép trong nước.
Hơn nữa, chính sách thuế xuất nhập khẩu nói chung và thuế xuất khẩu thép là những chính sách dài hạn góp phần thúc đẩy ngành sản xuất trong nước trong đó có ngành thép, cũng như các ngành kinh tế trong nước phát triển bền vững chứ không phải là một giải pháp ngắn hạn trước mắt để xử lý các hiện tượng tăng giảm của thị trường nhất thời.
Xuất khẩu thép của Việt Nam đang là một trong những ngành thu hút ngoại tệ hàng năm cho đất nước (6 tháng đầu năm thu về 4,9 tỷ USD, năm 2020 thu 6,1 tỷ USD), góp phần giảm thâm hụt cán cân thương mại, tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động cả nước.
Do đó quan điểm của VSA là Chính phủ cần có chính sách nhất quán để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Giá thép hôm nay ngày 22/7/2021 tại 3 miền: miền Bắc, miền Trung, miền Nam