Chờ...

Giá thép xây dựng hôm nay 22/9/2020: Giá quặng sắt và thép đều giảm

(VOH) - Giá thép ngày 22/9 giảm trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Các nhà máy thép tại Trung Quốc khá hời hợt trong việc thu mua quặng sắt từ thị trường ven cảng vì quan ngại nhiều rủi ro.

Giá thép thế giới giảm

Giá thép hôm nay giao tháng 1/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm nhẹ 5 đồng nhân dân tệ xuống còn 3.548 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h30, ngày 22/9, giờ Việt Nam.

Ảnh minh họa: internet

Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)

Theo các nguồn tin thị trường, từ ngày 14/9 - 18/9, các nhà máy thép Trung Quốc thận trọng hơn trước việc nhập khẩu quá nhiều quặng sắt từ các cảng.

Đóng cửa phiên giao dịch hôm thứ Hai (21/9), giá quặng sắt kì hạn chốt mức thấp hơn tại Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE).

Hợp đồng quặng sắt giao tháng 1/2021 đã giảm 23 nhân dân tệ (khoảng 3,4 USD), ghi nhận mức 776 nhân dân tệ/tấn, theo Tân Hoa Xã.

Theo đó, tổng khối lượng giao dịch của 12 hợp đồng quặng sắt kì hạn niêm yết trên sàn DCE là khoảng 1,74 triệu lô, với kim ngạch là 135,65 tỉ nhân dân tệ.

Hiện tại, giá thép thành phẩm đang khiến các nhà máy lo ngại khi giá quặng sắt sẽ biến động trước kì nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài bắt đầu vào tuần tới.

Một chuyên gia theo dõi thị trường tại Thượng Hải nhận xét: “Trong tuần qua, các nhà máy thép ở miền Đông Trung Quốc khá hời hợt trong việc thu mua quặng sắt từ thị trường ven cảng, do giá quặng sắt giảm quá nhanh khiến họ khó tránh khỏi rủi ro”.

Một số nhà máy thép có xu hướng mua quặng với khối lượng nhỏ và không mấy mặn mà với việc tích trữ thêm nhiều quặng sắt.

Dữ liệu từ Mysteel Global cũng cho thấy, từ ngày 14/9 -18/9, khối lượng giao dịch hàng ngày của tồn kho quặng sắt nhập khẩu chỉ tăng 1,5% lên mức trung bình 1,5 triệu tấn/ngày.

Trong bối cảnh này, nhiều nhà sản xuất thép đang có kế hoạch xây dựng lại hàng tồn kho để đảm bảo quá trình sản xuất suôn sẻ trong kì nghỉ lễ kéo dài từ ngày 1/10 - 8/10.

Về phần mình, một số nhà kinh doanh quặng sắt đã thể hiện lập trường rằng vẫn giữ mức giảm tương đối trong thời gian ngắn đối với thị trường thép trong nước khi nhu cầu và giá sắt thép không khả quan như kì vọng.

Tồn kho quặng sắt nhập khẩu tại 45 cảng lớn của Trung Quốc phần lớn vẫn ổn định ở mức 114,9 triệu tấn tính đến ngày 17/9, tăng nhẹ 0,3% so với tuần trước đó.

Xuất khẩu sắt thép sang Trung Quốc liên tục tăng mạnh

Sắt thép xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc, tăng mạnh 1.827,5% về lượng, tăng 1.470% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Theo tính toán từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2020 cả nước xuất khẩu 1,16 triệu tấn sắt thép, thu về 577,64 triệu USD, giá trung bình 496,7 USD/tấn, tăng 31,4% về lượng, tăng 29,2% về kim ngạch nhưng giảm 1,6% về giá so với tháng 7/2020.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu sắt thép cả nước đạt trên 5,96 triệu tấn, thu về 3,12 tỷ USD, giá trung bình 522 USD/tấn, tăng 36,8% về lượng, tăng 9,6% kim ngạch nhưng giảm 19,8% về giá so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 8/2020 xuất khẩu sắt thép sang đa số thị trường tăng so với tháng 7/2020; trong đó tăng mạnh ở một số thị trường như: Thổ Nhĩ Kỳ tăng 471% về lượng và tăng 830% về kim ngạch, đạt 137 tấn, tương đương 0,27 triệu USD; Indonesia tăng 235,3% về lượng và tăng 216,8% về kim ngạch, đạt 64.491 tấn, tương đương 37,36 triệu USD; Đức tăng 102,7% về lượng và tăng 185,5% về kim ngạch, đạt 381 tấn, tương đương 0,53 triệu USD; U.A.E tăng 249% về lượng và tăng 104% về kim ngạch, đạt 1.738 tấn, tương đương 1,14 triệu USD. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Tây Ban Nha lại sụt giảm mạnh trong tháng 8/2020, giảm 79,8% về lượng và giảm 58,6% về kim ngạch, đạt 798 tấn, tương đương 1,46 triệu USD; Đài Loan cũng giảm mạnh 49,7% về lượng và giảm 48,4% về kim ngạch, đạt 19.004 tấn, tương đương 9,34 triệu USD.

Tính chung trong cả 8 tháng đầu năm 2020, sắt thép xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc, với 2,07 triệu tấn, tương đương 844,5 triệu USD, giá trung bình 407,4 USD/tấn, tăng mạnh 1.827,5% về lượng, tăng 1.470% về kim ngạch nhưng giảm 18,6% về giá so với cùng kỳ năm trước, chiếm 34,8% trong tổng lượng và chiếm 27,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép của cả nước.

Xét về mức tăng trưởng xuất khẩu sắt thép trong 8 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước, thì thấy phần lớn thị trường giảm kim ngạch; trong đó, giảm mạnh ở các thị trường: Ai Cập giảm 96% cả về lượng và kim ngạch, đạt 51 tấn, tương đương 0,04 triệu USD; Saudi Arabia giảm 89,9% cả về lượng và giảm 88,3% kim ngạch, đạt 589 tấn, tương đương 0,47 triệu USD; Mỹ giảm 59,4% về lượng và giảm 54,8% kim ngạch, đạt 130.471 tấn, tương đương 115,82 triệu USD.

Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn tăng mạnh ở một số thị trường như: Brazil tăng 195% về lượng và tăng 144% về kim ngạch, đạt 16.602 tấn, tương đương 12,44 triệu USD; Đức tăng 143% về lượng và tăng 91,7% về kim ngạch, đạt 2.305 tấn, tương đương 3,03 triệu USD; Thái Lan tăng 89,5% về lượng và tăng 70,7% kim ngạch, đạt 469.212 tấn, tương đương 260,07 triệu USD.

Giá thép xây dựng hôm nay 21/9/2020: Giá thép giảm mạnh- Giá thép ngày 21/9 giảm mạnh trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Tại Ấn Độ, thị trường thép nội địa đang rất hấp dẫn, dự kiến  chiếm khoảng 80% tổng doanh số bán thép sau tháng 10.
Giá vàng hôm nay 22/9/2020: Giảm mạnh, ở mức thấp nhất trong 6 tuần– Giá vàng thế giới 22/9, giá vàng thế giới có phiên giảm mạnh và có mức thấp nhất trong 6 tuần.