Giá thép xây dựng hôm nay tăng
Giá thép thanh giao tháng 1/2020 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 35 nhân dân tệ lên 3.339 nhân dân tệ/tấn vào lúc 8h30, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Kết thúc phiên thứ Ba 21/10, hợp đồng thép thanh xây dựng hoạt động mạnh nhất trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 0,7% lên 3.318 nhân dân tệ/tấn, theo Reuters.
Giá thép cuộn cán nóng tăng 0,6% lên 3.313 nhân dân tệ/tấn.
Hợp đồng quặng sắt giao sau của Trung Quốc ghi nhận phiên tăng thứ ba liên tiếp, nhờ những lo ngại về nguồn cung sau khi Brazil đóng cửa đập vào đầu tháng này và hạ dự báo xuất khẩu quặng sắt.
Hôm 21/10, công ty khai thác quặng sắt khổng lồ Vale SA, Brazil cho biết họ đã tạm thời đóng cửa đập Itabiruçu để đánh giá lại kĩ thuật, hạ thấp dự báo xuất khẩu trong cả năm xuống khoảng 307 - 332 triệu tấn.
Các lô hàng từ Brazil và Australia ở mức 19,66 triệu tấn trong tuần kết thúc vào ngày 20/10, giảm 1,2 triệu tấn so với tuần trước, theo dữ liệu từ Mysteel.
Hợp đồng quặng sắt được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, giao tháng 1/2020, tăng 1,3% lên 619 nhân dân tệ/tấn vào thứ Ba (22/10). Kết thúc phiên giao dịch giá quặng tăng 0,8% lên 616 nhân dân tệ/tấn.
Sự gia tăng giá là bởi nhu cầu cải thiện trước khi Trung Quốc bước vào mùa đông, hoạt động xây dựng chậm lại và có thể phải đối mặt với các hạn chế sản xuất tùy thuộc vào các biện pháp kiểm soát chất lượng không khí.
Giá quặng sắt hàm lượng 62% giao cho Trung Quốc ở mức 86,5 USD/tấn, không thay đổi so với hai phiên trước đó.
Hợp đồng thép không gỉ giao tháng 2/2020, giảm 0,03% xuống 14.895 nhân dân tệ/tấn.
Giá các nguyên liệu sản xuất thép khác trái chiều với giá than mỡ tăng 0,2% lên 1.240 nhân dân tệ/tấn trong khi giá than cốc giảm 0,3% xuống còn 1749 nhân dân tệ/tấn.
Xuất khẩu sắt thép 9 tháng năm 2019 tăng về lượng, giảm kim ngạch
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2019 cả nước xuất khẩu 4,86 triệu tấn sắt thép, thu về 3,16 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng nhưng giảm 6,9% về kim ngạch so với 9 tháng đầu năm 2018, giá xuất khẩu giảm 11,7%, đạt trung bình 650,1 USD/tấn.
Riêng tháng 9/2019 xuất khẩu sắt thép tăng nhẹ 0,3% về khối lượng nhưng giảm 1,2% về kim ngạch và giảm 1,5% về giá so với tháng 8/2019; so với tháng 9/2018 thì giảm tương ứng 14,4%, 22,4% và 9,4%, đạt 493.413 tấn, tương đương 316,21 triệu USD, giá 640,9 USD/tấn.
Trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sắt thép sang các thị trường chủ đạo vẫn giữ được mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Campuchia đạt 1,3 triệu tấn, tương đương 773,45 triệu USD, giá trung bình 594,3 USD/tấn, chiếm 26,8% trong tổng khối lượng sắt thép xuất khẩu của cả nước và chiếm 24,5% trong tổng kim ngạch, tăng mạnh 33,3% về lượng, tăng 22,5% về kim ngạch nhưng giảm 8% về giá so với 9 tháng đầu năm 2018.
Xuất khẩu sang thị trường Indonesia tăng 32,7% về lượng, tăng 11,9% về kim ngạch, Malaysia tăng 18,3% về lượng, tăng 6,4% về kim ngạch , xuất khẩu sang Mỹ sụt giảm mạnh 53,3% về lượng và giảm 56,1% về kim ngạch.
Nhìn chung, trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sắt thép sang đa số các thị trường sụt giảm so với cùng kỳ năm trước; tuy nhiên, vẫn có một số thị trường kim ngạch không lớn nhưng so với cùng kỳ thì tăng rất mạnh như: Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng gấp 25,2 lần về lượng và tăng gấp 9 lần về kim ngạch, đạt 139.009 tấn, tương đương 68,81 triệu USD; Brazil tăng 167,9% về lượng và tăng 155,4% về kim ngạch, đạt 5.649 tấn, tương đương 5,13 triệu USD; Nhật Bản tăng 234,6% về lượng và tăng 127,9% về kim ngạch, đạt 178.250 tấn, tương đương 99,67 triệu USD.
Ngược lại, xuất khẩu sắt thép sang thị trường U.A.E sụt giảm rất mạnh 60,3% về lượng và giảm 73,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 6.259 tấn, tương đương 4,69 triệu USD. Xuất khẩu sang Bangladesh cũng giảm mạnh 68,5% về lượng và giảm 70% về kim ngạch, đạt 2.135 tấn, tương đương 1,32 triệu USD. Anh giảm 61,1% về lượng và giảm 63,6% về kim ngạch, đạt 26.301 tấn, tương đương 19,76 triệu USD.