Giá thép thế giới tăng mạnh
Giá thép ngày 23/8, giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 113 nhân dân tệ lên mức 5.137 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 10h30 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên Sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn).
Theo Market Watch, giá quặng sắt đã chạm mức cao kỷ lục trong năm 2021, song có khả năng sẽ chịu khoản lỗ hàng tháng lớn nhất từ trước đến nay.
Nguyên nhân là do Trung Quốc hạn chế phát thải carbon, trong đó có việc giới hạn sản lượng thép, khiến cho nhu cầu đối với nguyên liệu thô sử dụng trong sản xuất thép bị ảnh hưởng.
Ông Rhys Pittam, Người đứng đầu Bộ phận Vận hành Kim loại đen tại Marex, cho biết, sự bi quan trên thị trường là do Trung Quốc đã công bố hạn chế sản xuất thép thô trong năm nay nhằm hướng đến mục tiêu giảm lượng khí thải.
Theo nhận định của bà Niki Wang, Chuyên gia định giá Quặng sắt và Thép tại S&P Global Platts, giá lao dốc chủ yếu là do sản lượng thép của Trung Quốc dự kiến sẽ được cắt giảm một cách nghiêm ngặt hơn trong nửa cuối năm.
Song song đó, nhu cầu thép suy yếu do thời tiết nắng nóng và mưa ở Trung Quốc, cũng như sự gia tăng của các trường hợp COVID-19, cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến giá cả trên thị trường.
Hiệp hội Thép Thế giới đã chốt sản lượng thép trong tháng 6/2021 của Trung Quốc ở mức 93,9 tấn, giảm 5,6% so với tháng 5/2021.
Ông Sanjeeban Sarkar, Biên tập viên Hàng hóa tại Economist Intelligence Unit (EIU), cho biết, Trung Quốc cũng cam kết cắt giảm sản lượng thép để hạn chế chi phí đầu vào của nguyên liệu thô, điển hình như quặng sắt.
Nhu cầu cao giúp giá quặng sắt không giảm mạnh, nhưng có khả năng sẽ tiếp tục đi xuống trong nửa cuối năm nay khi sản lượng thép của Trung Quốc giảm so với năm 2020.
Bên cạnh việc cắt giảm sản lượng thép, các nhà phân tích tại BofA Securities chỉ ra rằng, Trung Quốc cũng đã thay đổi thuế xuất khẩu nhằm giảm các động lực sản xuất cho thị trường quốc tế.
Theo đó, Trung Quốc đã hủy bỏ việc giảm thuế xuất khẩu đối với một số sản phẩm thép vào tháng 5 và tăng thuế xuất khẩu đối với một dạng sắt thô vào tháng 7.
Tiêu thụ thép chậm lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19
Dịch COVID-19 kéo dài trên diện rộng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng, khiến cho tốc độ tăng trưởng tiêu thụ nội địa chậm lại trong nửa cuối năm 2022.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), sản lượng thép thô thế giới của 64 quốc gia là 167,9 triệu tấn vào tháng 6, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, sản xuất thép thô đạt 1000,39 triệu tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, nhu cầu thép của Trung Quốc tiếp tục suy yếu trong tháng 7, mặc dù nền kinh tế toàn cảnh có sự hồi phục.
Về giá cả nguyên liệu sản xuất thép và thép thành phẩm thì sau khi đạt đỉnh tháng 5, giá cả nguyên liệu sản xuất thép và thép thành phẩm đã giảm và hồi phục quanh mức 5.500 CNY/tấn.
Tại thị trường Việt Nam, sản lượng sản xuất thép thành phẩm tháng 7/2021 giảm 6,4% so với tháng 6/2021; trong khi đó bán hàng thép tăng nhẹ 0,04% so với tháng trước, chủ yếu do sản lượng xuất khẩu thép trong tháng tăng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ trong nước thấp khi các tỉnh thành phố phía Nam, Hà Nội, TP HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Theo dự báo của ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép, tình hình sản xuất, cung - cầu của sản phẩm thép trong năm 2021 tiếp tục phát triển ổn định. Mặt hàng thép xây dựng thông thường đáp ứng đủ nhu cầu thép cho thị trường trong nước và có xu hướng tăng trưởng chậm hơn so với 6 tháng đầu năm. Mặt hàng thép cuộn cán nóng (HRC) vẫn sẽ nhập khẩu do nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được khoảng hơn 50% nhu cầu sử dụng trong nước.
Bộ Công Thương cho hay, giá các sản phẩm thép đã đi vào ổn định và hình thành mặt bằng giá mới. Dự báo đến cuối năm 2021, giá thép thành phẩm (giao dịch tại thị trường Trung Quốc) sẽ giảm về mức giá 696,76 USD/tấn, giá quặng sắt 62% (giao tại cảng Thiên Tân, Trung Quốc) sẽ giảm về mức 200 USD/tấn