Giá thép thế giới giảm
Giá thép ngày 25/1 giao tháng 5/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 22 nhân dân tệ lên mốc 4.342 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 10h00 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Các nhà sản xuất thép hiện đang cân nhắc việc cắt giảm sản lượng khí thải carbon dioxide bằng cách trực tiếp giảm quặng sắt (DRI) dựa vào hydro.
Việc làm này có thể bắt đầu khả thi về mặt thương mại trong nửa cuối thập kỷ và dự kiến sẽ mở rộng vào những năm 2030, theo S&P Global Platts.
Ở châu Âu, các khoản đầu tư và hỗ trợ thép “xanh” gắn liền với các công nghệ mới, chẳng hạn như máy điện phân hydro và năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, nguồn đầu tư có thể bị hạn chế cho đến khi các nhà máy thép châu Âu tạo ra nhiều dòng tiền tự do hơn và thu hút nhu cầu nhất định.
Điều này sẽ được hỗ trợ bởi các chính sách rõ ràng về định giá carbon và năng lượng, cũng như thuế nhập khẩu thép dựa trên carbon do các nhóm công nghiệp châu Âu đề xuất.
Trong khi đó, theo Tập đoàn khí công nghiệp Linde, các nhà máy thép có thể đầu tư vào việc giảm lượng khí thải carbon dioxide thông qua sử dụng các chất phun lò cao, đốt cháy nhiên liệu oxy, sử dụng năng lượng tái tạo,...
Ông Pravin Mathur, Giám đốc điều hành của Linde, cho biết, quá trình đốt cháy dựa trên oxy có thể được áp dụng cho các nhà máy luyện quặng dựa trên nhiên liệu rắn cũng như cho các lò luyện thép, giúp cắt giảm 10% -40% lượng khí thải.
Các công nghệ ứng dụng khí đốt của Linde có thể hỗ trợ quá trình khử carbon dioxide, tạo ra mức giảm phát thải đáng kể một cách tức thì thay vì chỉ đợi nguồn cung hydro, một trong những loại nhiên liệu đắt tiền.
Xuất khẩu sắt thép sang Trung Quốc năm 2020 tăng tới…700%
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu sắt thép của nước ta trong năm 2020 đạt 9,86 triệu tấn, kim ngạch gần 5,26 tỷ USD; tăng lần lượt 47,9% so với năm 2019; mặc dù giá trung bình năm qua giảm 15,5% còn 533,4 USD/tấn.
Trong top 10 thị trường xuất khẩu sắt thép lớn nhất, xuất khẩu sang 4 thị trường tăng, trong đó sang Trung Quốc, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc) và Ấn Độ đều tăng mạnh, trên 30%.
Đặc biệt, xuất khẩu sang Trung Quốc – thị trường sắt thép số 1 của Việt Nam - tăng gấp khoảng 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái do nước này hồi phục sớm và mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, và Chính phủ kích thích kinh tế mạnh mẽ thông qua các dự án cơ sở hạ tầng.
Cụ thể, xuất khẩu sắt thép năm 2020 sang Trung Quốc đạt 3,54 triệu tấn, kim ngạch 1,48 tỷ USD, tăng lần lượt 717,7% và 669,6% so với năm trước đó, nâng thị phần trong tổng xuất khẩu thép Việt Nam lên 35,9%, mặc dù giá xuất khẩu trung bình sang Trung Quốc năm 2020 giảm 5,9% so với năm trước, chỉ đạt 419 USD/tấn.
Năm 2021, kinh tế thế giới dự báo sẽ tiếp tục hồi phục, nhất là ở Trung Quốc, sẽ thúc đẩy nhu cầu sắt thép tăng lên. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 ở nhiều nơi vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, tại Trung Quốc, giá sắt thép đang chững lại sau giai đoạn tăng mạnh trước đó. Vì vậy, tốc độ tăng xuất khẩu thép sang một số thị trường trọng điểm trong thời gian tới có thể sẽ chậm lại.
Malaysia áp thuế chống bán phá giá thép của Việt Nam
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Chính phủ Malaysia đã quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép cuộn cán nguội hợp kim và không hợp kim nhập khẩu hoặc có nguồn gốc từ Việt Nam.
Trong thông báo ngày 23/1, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia (MITI) cho biết quyết định này được đưa ra trên cơ sở kết quả cuộc điều tra, rà soát bắt đầu từ ngày 28/7/2020 theo đơn kiện của tập đoàn Mycron Steel CRC Sdn Bhd với tư cách đại diện các doanh nghiệp sản xuất thép của nước này.