Chốt phiên giao dịch hôm qua 26/11, giá thanh cốt thép giảm mạnh 3.8% xuống 3.553 nhân dân tệ/tấn (tương đương 511,99 USD/tấn). Giá thép này có lúc giảm xuống 3.496 nhân dân tệ/tấn, thấp nhất kể từ ngày 26/6.
Trên sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên, giá than luyện cốc tương lai giảm 4% xuống 1.297 nhân dân tệ/tấn (tương đương 186,90 USD/tấn). Hợp đồng than cốc giao tháng 1/2019 rớt 4.2% xuống 2.137 nhân dân tệ/tấn (tương đương 307,94 USD/tấn).
Ảnh minh họa: internet
Quặng sắt bị tác động nặng nề nhất trong số các nguyên liệu thô sản xuất thép. Giá quặng sắt tương lai lao dốc gần 6% xuống 477,5 nhân dân tệ/tấn (tương đương 68,81 USD/tấn), thấp nhất kể từ ngày 30/8.
Dự trữ quặng sắt ở Trung Quốc tăng 350.000 tấn so với tuần trước lên 140,95 triệu tấn vào ngày 23/11, dữ liệu từ SteelHome cho thấy.
Giá thép giảm xuống mức thấp nhất trong gần 5 tháng và các hợp đồng quặng sắt tương lai lao dốc gần 6% trong ngày thứ Hai (26/11) khi nỗi lo về nhu cầu thép yếu hơn đã nới dài làn sóng bán tháo, trong đó các nguyên liệu thô như than luyện cốc và than đá cũng giảm mạnh.
Các trader thép không bổ sung thêm dự trữ vì nỗi lo rằng nhu cầu ở quốc gia sản xuất và tiêu thụ hàng đầu thế giới có thể ở mức thấp sau mùa đông, cùng với đó là nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại giữa lúc đang xảy ra chiến tranh thương mại với Mỹ.
Dự trữ thanh cốt thép giảm xuống 3,08 triệu tấn vào giữa tháng 11/2018, thấp nhất trong năm nay, dựa trên dữ liệu từ SteelHome. Đà giảm của dự trữ cho thấy các trader không dự trữ thêm thép, một trader cho hay.
Nhu cầu thép thường tăng trưởng chậm trong mùa đông khi khí hậu lạnh làm tạm ngưng các dự án xây dựng. Nỗi lo ở đây là lượng tiêu thụ có thể không phục hồi mạnh khi nền kinh tế Trung Quốc chịu áp lực từ việc chi tiêu tiêu dùng và doanh số bán bất động sản ảm đạm và kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ có thể sớm giảm.
Giá thép trong nước giảm ở miền Bắc, miền Nam ổn định
Nhu cầu yếu, sức tiêu thụ chậm, để khuyến khích các nhà sản xuất thép xây dựng phía Bắc đã áp dụng các chương trình chiết khấu khiến giá thép trên thị trường giảm và phổ biến từ 100.000 – 150.000 đồng/tấn so với tháng 9, tùy theo từng chủng loại sản phẩm. Trong khi đó, tại các tỉnh phía Nam giá tương đối ổn định.
Thị trường thép Việt Nam trong 10 tháng của năm 2018 vẫn duy trì tích cực với sản lượng tiêu thụ tăng trưởng 28% so với năm ngoái. Trong đó, tiêu thụ nội địa tăng 27% và xuất khẩu tăng 33%.
Thị trường thép hiện nay được chia thành bốn nhóm, dựa theo loại sản phẩm gồm: Thép xây dựng, Ống Thép, Tôn mạ, và Thép cuộn cán nóng-cán nguội.
Trong đó thép cuộn cán nóng (HRC) - cán nguội (CRC) là nguyên liệu đầu vào của nhóm tôn mạ và ống thép. Với sự ra đời và đi vào sản xuất của hai tổ hợp sản xuất thép là Formosa và Dung Quất của Hòa Phát, Việt Nam đã tự chủ được khâu cuối cùng trong chuỗi giá trị ngành, đó là Thép cuộn cán nóng (HRC).
Với 4 nhóm sản phẩm kể trên, mỗi doanh nghiệp thép có thế mạnh riêng và đang chia nhau cát cứ miếng bánh thị phần. Đáng chú ý là sự phân định rạch ròi về dòng sản phẩm thép xây dựng và tôn mạ giữa Hòa Phát và Hoa Sen Group.
Đối với thị trường thép xây dựng, thị phần tập trung chủ yếu vào các ông lớn như Hòa Phát, Pomina, Formosa, Posco và các doanh nghiệp liên quan với VNSteel như VinaKyoei, TISCO.
Do nhu cầu xây dựng luôn ở mức cao, tỷ lệ tiêu thụ nội địa chiếm hơn 80% lượng thép sản xuất tại Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm 2018, tiêu thụ thép xây dựng tăng trưởng 14% so với cùng kỳ. Đặc biệt trong tháng 10, sản lượng của doanh nghiệp số một thị phần là Hòa Phát đã đạt mức kỷ lục 250 nghìn tấn.
Trong khi đó, thị trường tôn mạ lại là “sàn đấu” của Hoa Sen Group, Thép Nam Kim, Tôn Đông Á, hay Tôn Phương Nam.