Giá thép thế giới giảm trở lại
Giá thép ngày 28/4, giá giao tháng 10/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 69 nhân dân tệ xuống mức 5.327 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h50(giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Vào hôm thứ Ba (27/4), điểm chuẩn quặng sắt của châu Á tăng do nhu cầu ổn định và giá thép tăng cao. Dữ liệu cho thấy, lợi nhuận tăng mạnh tại các công ty công nghiệp của Trung Quốc đã tạo thêm động lực cho đà tăng của nguyên liệu sản xuất thép này.
Cụ thể, giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên (DCE) kết thúc giao dịch ban ngày ở mức 1.158,50 nhân dân tệ/tấn (tương đương 178,64 USD/tấn), tăng 1,9%.
Tính từ đầu năm đến nay, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn này đã tăng tổng cộng 33,5%.
Tương tự, hợp đồng quặng sắt giao tháng 5/2021 trên Sàn giao dịch Singapore (SICOM) cũng tăng 1,4% lên 190,10 USD/tấn. Trước đó trong phiên, giá mặt hàng này đã chạm mức 192,25 USD/tấn.
Trước thềm nghỉ Lễ Quốc tế Lao động kéo dài 5 ngày ở Trung Quốc (bắt đầu từ ngày 1/5), giá quặng sắt giao ngay đã tăng vọt lên mức cao nhất thập kỷ. Theo dữ liệu tư vấn của SteelHome, giá quặng sắt với hàm lượng 62% Fe chuẩn đã tăng lên mức 190,50 USD/tấn vào hôm thứ Hai (26/4).
Nhu cầu đối với quặng sắt hàm lượng 65% Fe loại cao cấp cũng đã tăng lên đáng kể do nguyên liệu này ít gây ô nhiễm hơn, cho phép các nhà máy thép Trung Quốc đáp ứng các yêu cầu kiểm soát khí thải trong khi vẫn duy trì sản lượng cao.
Hiện tại, chính phủ Trung Quốc đã triển khai các biện pháp kiểm soát môi trường chặt chẽ, buộc các nhà máy hoạt động kém hiệu quả và gây ô nhiễm môi trường phải ngừng sản xuất, giải quyết vấn đề dư thừa công suất trong nhiều năm qua.
Công ty Navigate Commodities Pte Ltd (Singapore) cho biết: “Các nhà đầu tư đã suy đoán rằng, việc hạn chế công suất sản xuất ở thành phố Handan và tình trạng cạn kiệt tồn kho thép cây đã thắt chặt cán cân cung cầu thép quốc gia”.
Sau thành phố Đường Sơn, thành phố Hàm Đan ở tỉnh Hà Bắc, trung tâm sản xuất thép của Trung Quốc, dự kiến sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát trong lĩnh vực luyện thép và luyện cốc cho đến ngày 30/6, Reuters đưa tin.
Doanh nghiệp thép báo lãi đậm trong quý 1/2021
Giá thép tăng cao, cộng với nhu cầu lớn của thị trường đã mang lại lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp thép trong quý 1/2021.
Tập đoàn Hoa Sen vừa công bố kết quả kinh doanh, cho biết sản lượng thép tiêu thụ trong tháng 3 đạt hơn 214 ngàn tấn, doanh thu thuần ước đạt hơn 4.500 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 500 tỉ đồng.
Lũy kế từ tháng 1-3/2021, Hoa Sen đạt 10.841 tỉ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 834 tỉ đồng, tăng lần lượt 88% và 315% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty Thép Tiến Lên cũng vừa công bố kết quả hoạt động kinh doanh quý 1 với doanh thu thuần hợp nhất đạt gần 979 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 120 tỉ đồng. Mặc dù doanh thu chỉ tăng 3,9% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận lại tăng gấp hơn 30 lần so với cùng kỳ và cũng là mức lợi nhuận trong một quý cao nhất mà doanh nghiệp này ghi nhận từ quý 4/2016. Kết quả, Thép Tiến Lên đã thực hiện được 48% chỉ tiêu lợi nhuận 2021 đặt ra.
Công ty Thép Mê Lin (MEL) cũng thông báo kết quả kinh doanh với doanh thu thuần đạt 117,3 tỉ đồng, giảm 38,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí giảm mạnh đã giúp lợi nhuận sau thuế của hãng thép này đạt 15,5 tỉ đồng, tăng gấp 41 lần so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức lãi kỷ lục mà doanh nghiệp này đạt được từ trước đến nay.
Nhờ giá thép tăng cùng lượng tiêu thụ thụ đã giúp Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đạt mức doanh thu trên 3.000 tỉ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 44,3 tỉ đồng, hơn gấp 9 lần so với cùng kỳ và là mức lãi cao nhất trong 3 năm qua của doanh nghiệp.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên được tổ chức mới đây, Tập đoàn Hòa Phát công bố kết quả kinh doanh quý 1/2021 với doanh thu đạt 31.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 7.000 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 59% và 200% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục tập đoàn ghi nhận được trong một quý kinh doanh trong suốt gần 30 năm qua.
Trong quý đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát đạt sản lượng bán hàng hơn 2,16 triệu tấn thép các loại. Trong đó, thép xây dựng thành phẩm đạt 855.000 tấn, tăng hơn 17%. Phôi thép xuất khẩu trên 386.000 tấn, tăng 27% so với quý 1/2020.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định giá thép xây dựng tăng đột biến thời gian qua là do giá các loại nguyên liệu sản xuất thép tăng cao trên thị trường toàn cầu đẩy giá thép thành phẩm tăng cao.
Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, các nhà thầu, doanh nghiệp xây dựng trong nước đang đứng trước nguy cơ "vỡ trận hàng loạt", phá sản vì giá thép liên tục tăng từ cuối năm 2020 đến nay, nhất là tăng đột biến từ cuối tháng 3, đầu tháng 4. Hiện giá bán mỗi tấn thép xây dựng đã tăng 30-40% so với cuối năm 2020.
VACC cho biết, mỗi dự án xây dựng dân dụng, thép chiếm 10-30% tổng giá trị dự án. Vì thế, biến động giá mặt hàng này tác động rất mạnh tới các nhà thầu. Nhiều doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu cho biết, việc thép tăng giá từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả dự án mà họ đã ký hợp đồng với đối tác, khả năng nhận thầu các dự án vì thế bị co lại.
Mới đây, VACC cũng đã đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kiểm tra xử lý triệt để nguyên nhân giá thép tăng, giúp các doanh nghiệp xây dựng tồn tại được, tránh những tổn thất không đáng có.
Bảng giá thép ngày 28/4/2021: miền Bắc, miền Trung, miền Nam