Giá thép xây dựng hôm nay 28/7: Giá thép thanh tiếp tục tăng nhẹ

(VOH) - Giá thép ngày 28/7 tăng trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Giá thép xây dựng trong nước duy trì xu hướng ngang sau khi điều chỉnh giảm.

Giá thép thế giới  tăng nhẹ

Giá thép hôm nay giao tháng 10/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 9 nhân dân tệ lên mức 5.684 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 10h15 (giờ Việt Nam).

Giá thép xây dựng hôm nay 28/7/2021
Ảnh minh họa: internet

Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên Sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn).

Giá thép xây dựng hôm nay 28/7: Giá thép thanh tiếp tục tăng nhẹ 2

Thổ Nhĩ Kỳ, nhà sản xuất thép lớn thứ hai của châu Âu, đã tăng sản lượng thép thô lên 3,4 triệu tấn vào tháng 6/2021, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn so với con số 3,2 triệu tấn được sản xuất trong tháng 5/2021.

Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Thép Thế giới, sản lượng thép thô của các nhà máy tại Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt 19,7 triệu tấn trong nửa đầu năm, cao hơn 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiệp hội các nhà sản xuất thép Thổ Nhĩ Kỳ (TCUD) dự kiến, sản lượng thép thô của quốc gia này sẽ vượt 39 triệu tấn trong năm nay, cao hơn đáng kể so với 35,8 triệu tấn vào năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Với con số được dự kiến là 39 triệu tấn, sản lượng thép thô của Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2021 được nhận xét sẽ là mức cao nhất theo ghi nhận trong lịch sử quốc gia này.

Trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ cùng với sự lắng dịu của đại dịch, mục tiêu này hoàn toàn phù hợp với mức tăng trưởng dự kiến vào năm 2021 trong tiêu thụ thép của Thổ Nhĩ Kỳ và sự gia tăng sản lượng xuất khẩu.

Song song đó, các nhà máy Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã điều chỉnh tăng mục tiêu xuất khẩu thép trong năm 2021.

Liên minh Các nhà xuất khẩu thép Thổ Nhĩ Kỳ đang đặt mục tiêu vượt 23 triệu tấn sản lượng xuất khẩu vào năm 2021, cao hơn khoảng 2,5 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu từ các mặt hàng xuất khẩu này dự kiến đạt 17,5 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nguồn tin trong ngành nhận định rằng, các khoản đầu tư thép mới của Thổ Nhĩ Kỳ được công bố trong những tháng gần đây có thể đưa sản lượng thép thô của quốc gia này vượt mốc 40 triệu tấn trong những năm tới, S&P Global Platts đưa tin.

DN thép và cơ hội đột phá từ thị trường xuất khẩu: Hoa Sen, Nam Kim đã "full" đơn đến tháng 11, khả năng phải chạy hết công suất trong nửa cuối năm

 Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp xuất khẩu trong quý 3 vẫn tốt do chênh lệch giá thép giữa châu Âu, Bắc Mỹ và Việt Nam ngày càng tăng. Nhu cầu mạnh mẽ từ châu Âu và Bắc Mỹ, cùng với các chính sách thương mại thuận lợi ở châu Âu, có thể hỗ trợ các nhà xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022.

Ngành thép kết thúc nửa đầu năm với những kỷ lục về doanh thu lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp. Thậm chí, sự tăng trưởng nóng của thị trường đưa nhiều tên tuổi "hồi sinh" sau nhiều năm chìm ngập trong thua lỗ, đơn cử Thép Tiến Lên (TLH), Pomina (POM)…

Sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu đi cùng chu kỳ giá tăng cao là một trong những tác nhân chính thúc đẩy toàn ngành đi lên, tiếp đà tăng trưởng từ năm 2020. Dù vậy, từ tháng 5/2021, thị trường bắt đầu giảm nhiệt, đi cùng với sự bùng phát trở lại của đại dịch khiến nhu cầu nội địa yếu đi, nhà sản xuất trong nước cũng lo ngại về mùa thấp điểm (mùa mưa) và giá bán đã tương đối cao. Ghi nhận, sản lượng tiêu thụ trong quý 2 tăng 7%, nhưng giảm mạnh so với tháng 6, mặc dù giá thép trong kỳ đã giảm khoảng 10%.

Sang quý 3, giới phân tích cho rằng nhu cầu trong nước sẽ yếu do các ca nhiễm Covid-19 ngày càng tăng, đặc biệt các biện pháp kiểm soát dịch siết chặt hơn được áp dụng và ảnh hưởng của tính thời vụ khi bước vào mùa mưa. Hệ quả, lợi nhuận, đặc biệt biên lãi của các doanh nghiệp thép theo nhiều nhận định sẽ điều chỉnh mạnh trong nửa cuối năm.

Dù vậy, sự chênh lệch về giá thép giữa Việt Nam so với các thị trường khác trên thế giới, đi cùng nhu cầu tăng cao đang mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp thép Việt – cơ hội từ xuất khẩu. Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo sự tăng trưởng từ xuất khẩu sẽ đủ để bù đắp cho sự giảm nhiệt của thị trường nội địa.

Dự báo, 6 tháng cuối năm, nhu cầu thép tại châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục duy trì ở mức cao, nhờ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của hoạt động xây dựng khi dịch bệnh đang được kiểm soát tốt hơn.

Bên cạnh đó, EU sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu thêm 3 năm nữa. Các biện pháp này chủ yếu nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Chính sách này tiếp tục duy trì điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ Việt Nam.

Chưa kể, chênh lệch giá thép giữa Châu Âu, Bắc Mỹ và Việt Nam ngày càng tăng, đồng nghĩa với mức biên lợi nhuận tốt cho các nhà xuất khẩu nội địa. Vì vậy, kỳ vọng sản lượng xuất khẩu vẫn sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm 2021.

Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị đã sớm nắm bắt và chuẩn bị cho cơ hội từ thị trường xuất khẩu.

Ghi nhận trên BCTC, hàng tồn của các doanh nghiệp vẫn ở mức cao, một phần cho thấy công suất sản xuất không hề thu hẹp. Đơn cử, Thép Nam Kim tăng gấp đôi hàng tồn, từ mức 2.371 tỷ lên 5.958 tỷ đồng, chiếm hơn 42% tổng tài sản. SMC cũng đẩy mạnh hàng tồn, thậm chí tăng gấp 4 lần từ 1.804 tỷ lên 4.081 tỷ đồng, chiếm phân nửa tổng tài sản. Tính đến thời điểm 30/6/2021, Hoa Sen (HSG) đã tích trữ đến 11.647 tỷ hàng tồn kho, chiếm gần 50% tổng tài sản và tăng hơn 5.500 tỷ đầu so với đầu kỳ (niên độ tài chính HSG bắt đầu tư 1/10/2020 đến 30/9/2021).

Giá thép hôm nay ngày 28/7/2021 tại 3 miền: miền Bắc, miền Trung, miền Nam.

Giá thép xây dựng hôm nay 28/7: Giá thép thanh tiếp tục tăng nhẹ 3