Giá thép xây dựng giảm mạnh
Giá thép thanh giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 91 nhân dân tệ xuống 3.335 nhân dân tệ/tấn vào lúc 10h30, ngày 29/2, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Chốt phiên thứ Sáu (28/2), giá thép thanh xây dựng giảm 2,7% trong khi giá thép cuộn cán nóng giảm 1,8% và giá thép không gỉ giảm 1,9%, theo Reuters.
Hợp đồng quặng sắt giao sau ở Trung Quốc tiếp tục kéo dài thua lỗ, đánh dấu mức giảm hàng tháng đầu tiên kể từ tháng 10/2019 do lo ngại virus corona khiến kinh tế toàn cầu suy thoái, làm mờ triển vọng nhu cầu đối với nguyên liệu thô.
Trung Quốc, nơi virus corona bùng phát, chiếm hơn một nửa sản lượng thép thế giới và là nhà xuất khẩu vật liệu sản xuất và xây dựng lớn nhất toàn cầu.
Trung Quốc, cũng là nhà nhập khẩu quặng sắt hàng đầu, đã phải bán tháo nhiều sản phẩm thép và áp đạt các hạn chế sản lượng vì hàng tồn kho đạt mức cao kỉ lục khi dịch bệnh khiến các dự án xây dựng đình trệ và các nhà máy phải đóng cửa trong nhiều tuần.
Hợp đồng quặng sắt có khối lượng giao dịch lớn nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm 3,1% xuống còn 616,5 nhân dân tệ/tấn (tương đương 87,91 USD/tấn) sau khi giảm 4,7% trước đó.
Hợp đồng quặng sắt trên Sàn giao dịch Singapore giảm 1,4%.
Giá quặng sắt giảm 8% so với tuần trước, đánh dấu mức lỗ hàng tuần đầu tiên trong 3 tuần và giảm 6,5% trong tháng này.
Sự bán tháo kim loại màu tại Trung Quốc tăng cường khi dịch virus corona lan rộng nhanh chóng trên khắp thế giới, có khả năng trở thành đại dịch và tiếp tục tác động tới hoạt động kinh doanh toàn cầu.
Trong khi các hoạt động kinh tế chậm lại ở Trung Quốc do chính phủ nước này cho đóng cửa nhằm ngăn chặn virus lây lan, các quốc gia khác, gồm cả các đối tác thương mại của Trung Quốc, đã bắt đầu áp đặt các hạn chế riêng.
Các thị trường tài chính dự kiến công bố dữ liệu thương mại của Trung Quốc trong tháng 1 và tháng 2 vào tuần tới, phản ánh tác động của các biện pháp hạn chế giao thương này.
Giá than mỡ giảm 2,2% trong khi giá than cốc giảm 1,8%.
Giá quặng sắt hàm lượng 62% ổn định ở mức 88 USD/tấn vào thứ Năm (27/2), giảm 3 phiên liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ ngày 12/2, theo dữ liệu của SteelHome.
Hoạt động tại các khu vực sản xuất lớn tại Trung Quốc có thể bị thu hẹp với tốc độ nhanh nhất do sự bùng phát của virus corona, theo cuộc khảo sát của 25 nhà kinh tế tại Reuters.
Xuất khẩu thép Việt Nam giảm 38%
Sản lượng thép thô của Việt Nam trong tháng 1 đạt hơn 1,6 triệu tấn, giảm 22,3% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, bán hàng đạt gần 1,4 triệu tấn, giảm trên 30% so với cùng kì, xuất khẩu thép giảm 38% còn 283.134 tấn, theo thông tin từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA).
Giá thép chịu áp lực trong tháng 1, xuất khẩu thép Việt Nam giảm 38% - Ảnh 1.
Nhập khẩu sắt thép Việt Nam trong tháng 1. Đơn vị: tấn. Nguồn: Đan Thanh tổng hợp từ Tổng cục Hải quan
Việt Nam nhập khẩu hơn 940.000 tấn sắt thép các loại trong tháng 1, trị giá khoảng 567 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu hơn 460.000 tấn sắt thép các loại, trị giá khoảng 247 triệu USD.
Giá thép chịu áp lực trong tháng 1, xuất khẩu thép Việt Nam giảm 38% - Ảnh 2.
Xuất khẩu sắt thép Việt Nam trong tháng 1. Đơn vị: tấn. Nguồn: Đan Thanh tổng hợp từ Tổng cục Hải quan
Theo VSA, nhập khẩu sắt thép các loại năm 2019 tăng 7,6% về lượng nhưng giảm 3,9% về kim ngạch so với năm 2018, đạt 14,5 triệu tấn, trị giá 9,51 tỉ USD.
Nhập khẩu thép từ Trung Quốc – thị trường lớn nhất, giảm 18% về lượng, giảm 26,6% về kim ngạch và giảm 10,5% về giá so với năm 2018, đạt 5,14 triệu tấn, tương đương 3,3 tỉ USD.
Năm 2019, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam tăng 6,6% về lượng nhưng giảm 7,4% về kim ngạch và giảm 13,2% về giá so với năm 2018, đạt 6,7 triệu tấn, giá trị 4,2 tỉ USD.
Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang các nước Đông Nam Á, chiếm 62,5% trong tổng lượng sắt thép xuất khẩu của cả nước và gần 60% trong tổng kim ngạch, đạt 4,17 triệu tấn, giá trị 2,52 tỉ USD.