Giá thép thế giới tăng
Giá thép hôm nay giao tháng 1/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 17 đồng nhân dân tệ lên mức 3.514 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h30, ngày 29/9, giờ Việt Nam.
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Hiệp hội thép Mỹ Latinh (Alacero) thông báo rằng, các nền kinh tế lớn đang trải qua một cuộc suy thoái trầm trọng và điều này ảnh hưởng đến giá sắt thép toàn cầu.
Tình hình căng thẳng thương mại giữa các cường quốc lớn nhất thế giới, được bồi thêm bởi sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, khiến cuộc khủng hoảng kinh tế dần chuyển biến sang một giai đoạn khác.
Giá hàng hóa giảm, phá giá tiền tệ, chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ và áp lực từ giá cả không cạnh tranh của Trung Quốc đối với sản xuất nội địa là các yếu tố góp phần gây ra sự bất ổn trong khu vực.
Trong năm qua, xuất khẩu thép gián tiếp của Trung Quốc sang Mỹ Latinh tăng 3,5%, đạt 49.154 triệu USD. Khối lượng thép trong các sản phẩm nhập khẩu từ gã khổng lồ châu Á tăng 3% so với năm trước, tương đương gần 7 triệu tấn.
Hiện tại, Brazil và Mexico là hai nước tiêu thụ thép gián tiếp chính của Trung Quốc, chiếm 57% tổng giá trị nhập khẩu của khu vực và gần 45% sản lượng nếu tính theo tấn.
Các thị trường tiêu thụ chính của thép cuộn và các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc đến Mỹ Latinh bao gồm Chile với 1,2 triệu tấn, Peru với 1,1 triệu tấn, Trung Mỹ với 1 triệu tấn và Brazil với 0,8 triệu tấn.
Đà phục hồi rõ rệt của ngành thép
Tổng sản lượng tiêu thụ thép tại thị trường Việt Nam lũy kế 8 tháng đầu năm 2020 vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh số từng tháng đã bắt đầu có sự cải thiện rõ ràng hơn.
Thống kê cho thấy các nhóm sản phẩm của ngành thép đều đi xuống về mặt sản lượng tiêu thụ trong 8 tháng đầu năm, ngoại trừ tôn mạ. Thép cuộn cán nóng đối mặt với đợt giảm mạnh, trong khi doanh số của mảng thép xây dựng giảm gần 6% lần đầu tiên kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tiêu thụ thép ống tiếp tục đi ngang trong khi sản lượng tôn mạ tăng nhẹ so với cùng kỳ. Nhìn chung, nguyên nhân chính cho mức tăng trưởng âm là ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thép xây dựng tương đối chật vật trong 7 tháng đầu năm, với sản lượng tiêu thụ tháng 1 và tháng 2 tăng trưởng âm so với cùng kỳ do nhu cầu xây dựng ở Việt Nam giảm. Tuy nhiên, doanh số tháng 8 đã tăng 15% so với cùng kỳ và tăng trưởng theo tháng tương đối đều đặn kể từ khi kết thúc giãn cách xã hội.
Dự báo nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng tăng mạnh dịp cuối năm
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, thị trường thép xây dựng tháng 9 và các tháng cuối năm sẽ có bước khởi sắc sau dịch do nhu cầu tăng.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, sản xuất thép xây dựng trong 8 tháng qua đạt hơn 6,607 triệu tấn, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2019. Bán hàng sản phẩm thép xây dựng đạt hơn 6.66 triệu tấn, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, xuất khẩu là 906.962 tấn, giảm 5,9% so với cùng kỳ. Hiện tại, tồn kho của các doanh nghiệp thép là hơn 604.000 tấn. Đây là mức tồn kho trung bình để gối đầu bán hàng các tháng sau.
VSA nhận định, sản lượng thép xây dựng sản xuất, bán hàng và xuất khẩu trong 8 tháng của năm 2020 đều giảm do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, dự kiến từ tháng 9 đến cuối năm, thị trường thép xây dựng sẽ khởi sắc hơn.
Ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch VSA dự báo, trong ngắn hạn thị trường nội địa có nhu cầu tiêu thụ thép nhiều hơn sau thời gian giãn cách do dịch bệnh Covid-19. Tình hình sản xuất và bán hàng thép xây dựng trong nước sẽ bớt khó khăn hơn và thị trường thép xây dựng từ tháng 9 sẽ tốt hơn.
Hiện nay, giá bán thép trong nước ở mức bình quân khoảng 11.000-11.050 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể. Theo VSA, các doanh nghiệp có sự cạnh tranh gay gắt để giữ thị phần hay phát triển thêm thị phần, cạnh tranh trong cả lĩnh vực công trình và dân dụng. Do đó, giá thép xây dựng trong nước không điều chỉnh nhiều dù giá nguyên liệu tăng cao.