Giá thép thế giới đi lên
Giá thép ngày 30/12 giao tháng 5/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 14 nhân dân tệ lên mốc 4.257 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h45 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Tại Ấn Độ, các công ty thép đang đề nghị chính phủ tạm thời cấm xuất khẩu quặng sắt để cải thiện nguồn cung trong nước và hạ giá mặt hàng này.
Các nhà sản xuất thép đang bị chỉ trích nặng nề vì liên tục tăng giá và gây áp lực lên các dự án cơ sở hạ tầng, theo The Hindu Business Line.
Hiệp hội Thép Ấn Độ cho biết, lệnh cấm tạm thời đối với xuất khẩu thép viên cao cấp trong 6 tháng hoặc cho đến khi tình hình ổn định sẽ làm tăng nguồn cung trong nước.
Bên cạnh đó, Chính quyền Trung ương cần chỉ đạo các công ty khai thác ưu tiên cung cấp cho người tiêu dùng cuối cùng trong nước hơn là xuất khẩu sang nước ngoài.
Trong 6 tháng qua, Tổng Công ty Phát triển khoáng sản quốc gia (NMDC) đã tăng giá quặng sắt từ 1.960 rupee/tấn lên 4.610 rupee/tấn. Mỗi lần giá quặng sắt tăng 1.000 rupee sẽ đẩy chi phí sản xuất thép lên khoảng 2.000 rupee/tấn.
Sản lượng ở bang Odisha, nơi đóng góp hơn 50% quặng sắt hàng năm của Ấn Độ, ghi nhận mức 15 tấn trong 5 tháng đầu năm tài chính (bắt đầu từ tháng 4), giảm 60% so với con số 35 tấn được khai thác cùng kỳ năm ngoái.
Sự thiếu hụt quặng sắt ở Odisha chủ yếu bắt nguồn từ các hợp đồng thuê bị hết hạn và các vấn đề liên quan đến sơ tán. Tình trạng mất cân bằng nguồn cung kéo dài ở Odisha là do 14 trong số 19 mỏ mới được đấu giá không hoạt động.
Nhu cầu thép trong nước sẽ tăng
Nhận định về thị trường thép năm 2021, SSI Research ước tính nhu cầu thép sẽ tăng khoảng 3-5% từ mức cơ sở thấp trong năm 2020, nhờ kỳ vọng kinh tế vĩ mô chung phục hồi, cùng với hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng đặc biệt là các dự án trọng điểm mang tính cấp bách như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành...
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có cơ hội lớn trong thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, chi phí nhân công rẻ.... Do vậy, khi các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam thì nhu cầu đầu tư nhà xưởng, khu công nghiệp sẽ tăng lên, kéo theo nhu cầu về thép xây dựng tăng theo.
Ngoài ra, các cơ hội từ hội nhập đặc biệt là việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA cũng được kỳ vọng thúc đẩy ngành thép sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới.
Đối với CPTPP, việc gỡ bỏ loạt thuế quan sẽ giúp các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu đồng thời nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia có lợi thế như Australia.
Theo Chứng khoán BSC, các nước thành viên CPTPP là nguồn cung cấp nguyên vật liệu chủ yếu để sản xuất thép cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đơn cử, Australia là nước cung cấp than đá và quặng chủ yếu cho nước ta, lần lượt chiếm 25,7% và 22,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, hơn 50% lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất phôi cũng là từ các nước thuộc CPTPP. Một số thành viên như Canada, Malaysia cũng có nhu cầu lớn nhập khẩu nhiều thép thành phẩm.
Trước đó, ASEAN và Mỹ là hai thị trường dẫn đầu về xuất khẩu thép của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ tăng cao, theo các chuyên gia, việc chuyển hướng xuất khẩu, mở rộng sang các thị trường khác là cần thiết.
Trong khi đó, EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 được kỳ vọng sẽ giúp cho ngành thép rộng đường và thêm cơ hội xuất khẩu sang thị trường EU. Về mặt lý thuyết, khi EVFTA có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội lớn cho các ngành nghề; trong đó có ngành thép.
Tuy nhiên, thị trường các nước EU ở trạng thái bão hòa với các giao dịch thương mại thép, các hoạt động chủ yếu trong nội khối. Theo số liệu của VSA, thị trường EU chiếm khoảng 4,2% tổng lượng xuất khẩu thép của Việt Nam. Trong khi đó, thị trường truyền thống là ASEAN, Trung Quốc vẫn chiếm tỷ lệ lớn, lần lượt gần 55% và 19%...
Do đó, để vào được thị trường EU, đòi hỏi các sản phẩm phải đạt rất nhiều tiêu chuẩn cao và khắt khe. Các nhà sản xuất thép Việt Nam muốn đáp ứng được tiêu chuẩn đó phải cải tiến công nghệ, kỹ thuật, thay đổi các quy trình sản xuất của mình, thay đổi các phương thức kinh doanh.