Giá thép xây dựng thế giới hôm nay
Giá thép thanh giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 26 nhân dân tệ lên 3.921 nhân dân tệ/tấn vào lúc 10h, ngày 31/7, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Chốt phiên giao dịch ngày 30/7, hợp đồng thép thanh xây dựng hoạt động mạnh nhất trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 0,5% xuống 3.886 nhân dân tệ/tấn, mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 21/6.
Giá thép cuộn cán nóng giảm 0,9% xuống còn 3.785 nhân dân tệ/tấn, ghi nhận chạm đáy 5 tuần.
Giá quặng sắt giao sau của Trung Quốc tăng hơn 3% vào thứ Ba (30/7), kéo dài đà tăng sang phiên thứ 4 liên tiếp với kì vọng rằng việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thép vẫn còn yếu trong tháng 7 khiến nguồn cung của nhà sản xuất thép bị thắt chặt, theo Hellenic Shipping News.
Nhu cầu quặng sắt có thể tăng khi thành phố sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc - Đường Sơn tăng cao các biện pháp chống ô nhiễm vào cuối tuần này như dự kiến.
Giá quặng sắt được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, giao tháng 1/2020, tăng 3,5% lên 780 nhân dân tệ/tấn (tương đương 113,23 USD/tấn).
Kết thúc phiên giao dịch giá quặng sắt tăng 2,4% lên 771,50 nhân dân tệ/tấn, mức chốt phiên cao nhất kể từ ngày 16/7.
Nguồn cung khó hồi phục trong tương lai gần
Helen Lau, chuyên gia phân tích của Argonaut Securities cho biết xuất khẩu quặng sắt trung bình hàng tuần từ Brazil và Australia đến Trung Quốc trong 3 tuần đầu tháng 7 thấp hơn so với tháng 6.
Khối lượng quặng sắt xuất khẩu trung bình hàng tuần từ Brazil giảm 8% so với tháng 6 xuống còn 5,9 triệu tấn trong khi hàng hóa xuất từ Australia giảm 13% xuống còn 15 triệu tấn.
Công ty cung cấp dữ liệu Kpler dự kiến nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 7 sẽ không thay đổi so với tháng 6 nhưng giảm 4,8% so với tháng 7/2018.
Nguyên nhân là công ty Vale SA, Brazil đang tăng cường xuất khẩu nhưng các công ty khai thác lớn của Australia đã giảm các lô hàng vận chuyển.
Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 6 giảm còn 75,18 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016, từ 83,75 triệu tấn trong tháng 5 và 83,24 triệu tấn trong tháng 6/2018 do nguồn cung từ các công ty khai thác hàng đầu ở Australia và Brazil giảm.
Moody's Investors Service đã điều chỉnh phạm vi của giá quặng sắt lên 60 - 90 USD/tấn từ 45 - 75 USD/tấn với lí do nguồn cung khan hiếm.
Giá quặng sắt hàm lượng 62% tăng 0,4% lên 118 USD/tấn vào thứ Hai (29/7), theo dữ liệu của SteelHome.
Việc đóng cửa các mỏ ở Brazil và sản xuất chậm lại ở Australia đã đẩy thị trường quặng sắt vào tình trạng thâm hụt, với tình hình dự kiến sẽ cải thiện chậm trong năm nay và 2020.
Carol Cowan, Phó chủ tịch của Moody, cho biết: "Trong khi sản lượng từ các công ty khai thác lớn trên toàn cầu tăng dần và các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ thấy giá giảm đi đôi chút, nguồn cung sẽ không phục hồi hoàn toàn trong tương lai gần".
Khối lượng quặng sắt dự trữ tại các cảng Trung Quốc tăng trong tuần thứ hai liên tiếp, trở lại mức 119,25 triệu tấn tính đến ngày 26/7, dữ liệu của SteelHome cho thấy. Đáng lưu ý lượng hàng tồn kho đầu tháng này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2017.
Giá than mỡ gần như không đổi ở mức 1.394,5 nhân dân tệ/tấn nhưng giá than cốc giảm 1,3% xuống còn 2.150 nhân dân tệ/tấn.
Ngành thép châu Âu tổn thất gấp đôi sau khi Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá
Trung Quốc tiến hành áp thuế chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép không gỉ nhập khẩu từ Liên minh châu Âu và ba nước châu Á. Đối với khối liên minh 28 quốc gia, động thái này không chỉ là rủi ro cho thị trường xuất khẩu thép chủ lực mà còn là tổn thất lớn cho ngành thép của EU.
Theo đó, trong tháng 7, Bộ Thương mại Trung Quốc đã áp thuế để ngăn chặn các nhà sản xuất thép ở Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nhật Bản "bán phá giá" một số sản phẩm thép không gỉ vào Trung Quốc.
Bắc Kinh sẽ áp thuế chống bán phá giá từ 18,1% đến 103,1% đối với phôi thép không gỉ và thép không gỉ cán nóng nhập khẩu từ EU và các nước khác. Quyết định này được đưa ra sau khi một cuộc điều tra của các nhà quản lý Trung Quốc cho thấy "đã có việc bán phá giá các sản phẩm bị điều tra và gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành công nghiệp tại Trung Quốc”.
Động thái này của Trung Quốc là một đòn giáng mạnh đối với các nhà sản xuất thép của EU, những người đang phải chịu đựng tình trạng dư thừa toàn cầu, chủ yếu là do Bắc Kinh không thể cắt giảm sản lượng.