Giá thép xây dựng thế giới tăng
Giá thép thanh giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 10 nhân dân tệ lên 3.562 nhân dân tệ/tấn vào lúc 8h30, ngày 6/1, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Tồn kho thép thanh xây dựng ở Trung Quốc tăng tuần thứ 5 liên tiếp tính đến ngày 2/1 do nhu cầu giảm theo mùa khiến dự trữ quốc gia và tại các nhà máy giảm lượng tích trữ.
Trong khi dự trữ tăng cao, giá thép thanh bị giới hạn bởi triển vọng sản xuất và nhu cầu yếu hơn trong thời gian tới.
Khoảng cách về lợi nhuận hiện tại thúc đẩy các nhà máy thép sản xuất thép cuộn cán nóng với chi phí tương đương sản xuất thép thanh.
Một khảo sát của SMM cho thấy lợi nhuận của thép thanh tại hầu hết các nhà máy thép thấp hơn 50 - 150 nhân dân tệ/tấn so với thép cuộn cán nóng.
Lợi nhuận ít hơn khiến một số nhà sản xuất thép lò điện hồ quang (EAF) rơi vào tình trạng gián đoạn hoặc bảo trì.
SMM dự đoán giá thép thanh trung bình sẽ duy trì ổn định nhưng giá tại miền nam Trung Quốc vẫn phải đối mặt với áp lực giảm trong bối cảnh sản lượng lớn hơn từ phía Bắc.
Theo dữ liệu của SMM, hàng tồn kho thép thanh tại các nhà sản xuất thép ở mức 2,17 triệu tấn tính đến ngày 2/1, khoảng 4 tuần trước kì nghỉ Tết Nguyên đán. Con số này tăng 2,8% so với tuần kết thúc vào ngày 26/12.
Lượng dự trữ tại các kho quốc gia tăng 12,8% trong tuần trước và ở mức 3,43 triệu tấn, tăng từ mức 7,2% trong tuần trước đó.
Tổng lượng thép thanh tồn kho của các nhà sản xuất thép và kho quốc gia tăng 8,7% và đạt 5,6 triệu tấn vào ngày 2/1, sau khi tăng 5,2% trong tuần trước đó.
So với năm ngoái, tổng lượng tồn kho tăng 2,2%, đảo ngược mức giảm 4,4% trong tuần trước đó.
Cạnh tranh ngành thép: Áp lực sẽ tiếp tục gia tăng
Trước các cơ hội từ hội nhập, đặc biệt là việc thực thi các Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -EU (EVFTA), ngành thép là một trong những ngành được kỳ vọng có thêm điều kiện thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới trong năm 2020.
Tuy nhiên, việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mới đây chính thức áp dụng mức thuế nhập khẩu lên đến 456% đối với thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam sử dụng nguyên liệu từ thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc cho thấy xu hướng phòng vệ thương mại tiếp tục được các nước sử dụng và sẽ gây áp lực cạnh tranh lên ngành thép trong thời gian tới.
Theo chuyên gia Nguyễn Văn Sưa, năm 2020 vẫn sẽ ghi nhận sự tăng trưởng của ngành thép nhờ vào quá trình hội nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như thu hút đầu tư trong nước. Tuy nhiên để tránh việc các sản phẩm thép gian lận xuất xứ tìm đường xuất khẩu thông qua Việt Nam, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, xây dựng “hàng rào kỹ thuật” đối với sản phẩm thép nhập khẩu, có biện pháp ngăn chặn chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ở những công nghệ không thích hợp, quy mô nhỏ, tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường...
Ngoài ra, Việt Nam nên hướng việc thu hút đầu tư vào các dự án sản xuất hợp kim và sản phẩm thép chất lượng cao, phục vụ chế tạo, công nghiệp đóng tàu, ô-tô... mà trong nước đang thiếu hụt. Các doanh nghiệp tránh việc đầu tư quá nhiều vào các mặt hàng tôn, thép xây dựng thông thường,... khiến sự cạnh tranh càng trở nên gay gắt hơn.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Hồ Nghĩa Dũng dự báo, năm 2020 sẽ là năm ngành thép tiếp tục có sự tăng trưởng do nhu cầu xây dựng các công trình tăng lên. Đồng thời, với các chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ, nhiều công ty, tập đoàn nước ngoài sẽ lựa chọn Việt Nam là nơi đặt các trung tâm, nhà máy sản xuất, góp phần thúc đẩy thị trường thép phát triển.
Để ngăn chặn gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến hình ảnh các thương hiệu thép uy tín của Việt Nam, ông Dũng cho rằng, trước tiên các doanh nghiệp trong ngành cần chủ động tiếp cận công nghệ mới, tăng năng lực cạnh tranh sản phẩm thông qua tiết kiệm chi phí sản xuất, cải tiến năng lực quản trị để hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng thị trường xuất khẩu...
Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường bảo vệ sản xuất trong nước bằng các hàng rào kỹ thuật, thương mại với các công cụ phòng vệ thương mại hiệu quả. Đặc biệt, có các biện pháp mạnh tay với tình trạng gian lận, làm giả, nhái thương hiệu... để bảo vệ quyền lợi, công bằng cho các doanh nghiệp chân chính...