Giá thép thế giới ổn định
Giá thép ngày 7/10 giao tháng 1/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tiếp tục giao dịch tại mốc 3.560 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h30, giờ Việt Nam.
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Tại Ấn Độ, sự phục hồi ở cả lĩnh vực ô tô và đồ điện gia dụng đã thúc đẩy giá thép cuộn cán nóng (HRC) tăng vượt mức 42.000 yên/tấn của giai đoạn trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, theo The Hindu Business Line.
Kể từ tháng 7, các công ty thép đã tăng giá HRC lên khoảng 7.000 - 7.500 rupee/tấn để bù đắp cho giá nguyên liệu gia tăng và thu hẹp giá trong nước so với giá nhập khẩu.
Đến thời điểm hiện tại, các công ty thép đã tăng giá HRC lên khoảng 2.000 rupee/tấn đạt mức 42.500 rupee/tấn, giá thép cuộn và thanh TMT tương ứng cũng được điều chỉnh lên ngưỡng 42.750 rupee/tấn và 39.000 rupee/tấn.
Đợt tăng giá trong tháng này là lần tăng thứ 4 liên tiếp do nhu cầu trong nước có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, mối lo ngại về sự gia tăng của các trường hợp COVID-19 vẫn còn kéo dài sau khi chính phủ dần nới lỏng các hoạt động kinh tế.
Bên cạnh sự cải thiện về nhu cầu từ người dùng cuối cùng, các đại lí cũng đã mạnh dạn bổ sung hàng tồn kho trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm.
Theo đó, giá thép tại thị trường Trung Quốc đã giảm 25 USD/tấn vào tháng trước và dự kiến sẽ giảm thêm trong tháng này.
Xu hướng giá sắt thép ở thị trường Trung Quốc sau kì nghỉ lễ kéo dài một tuần sẽ định hướng giá thép trong nước và khu vực trong thời gian tới.
Nếu giá ở Trung Quốc không được cải thiện sau kì nghỉ lễ thì các nhà sản xuất thép Ấn Độ sẽ khó có thể giữ giá thép ở mức cao hơn Trung Quốc vì nhập khẩu sẽ bắt đầu thâm nhập.
Thị trường vật liệu xây dựng vào mùa
Dịch Covid-19 có phần lắng xuống đã khiến hoạt động xây dựng dần khôi phục, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng dịp cuối năm bắt đầu tăng trở lại.
Khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trên phố Cát Linh, Láng Hạ cho thấy, trái với lo lắng của người tiêu dùng, giá bán hầu hết các mặt hàng không tăng, thậm chí còn giảm. Cụ thể, mặt hàng xi măng trong quý III/2020 đồng loạt giảm giá từ 70.000 - 100.000 đồng/tấn so với quý II. Hiện xi măng PCB 30-40 Vicem Bút Sơn giá từ 1,124-1,143 triệu đồng/tấn, loại C91 MC 25 Bút Sơn (chuyên dùng xây trát) giá 1.045-1,050 triệu đồng/tấn; xi măng Hoàng Thạch loại PCB 30-40 giá từ 1,250-1,270 triệu đồng/tấn
Thực tế cho thấy, mặt hàng sắt thép xây dựng của Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Công ty Thép Việt - Úc, Thép Hòa Phát, Việt - Hàn, Việt - Nhật... cũng trong tình trạng tương tự. Hiện giá bán thép cuộn phi 6, 8, 10 được bán ở mức khoảng từ 12.445-12.900 đồng/kg. Theo Phó chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam Nguyễn Văn Sưa, từ đầu tháng 7, dịch Covid-19 bùng phát trở lại nên đến nay, giá sắt thép khá ổn định.
Thậm chí tại Đà Nẵng và một số tỉnh thành, giá thép đã có xu hướng giảm nhẹ. “Vì vậy, từ nay đến cuối năm, giá sắt thép sẽ giữ ở mức ổn định, ít biến động. Đây là thời điểm thuận lợi cho các DN tranh thủ nhập hàng phục vụ cho công trình đợt cuối năm” - ông Sưa nói.